Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long
lanh
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy
Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần
Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông
Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm
Đồng hợp tác xanh tươi cấy cầy thẳng tắp
Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc
Hà Tây! Cửa ngõ Thủ Đô!
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời
Hà Tây! Vọng gác Thủ Đô!
Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên
Hà Tây...
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy
Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần
Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông
Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm
Đồng hợp tác xanh tươi cấy cầy thẳng tắp
Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc
Hà Tây! Cửa ngõ Thủ Đô!
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời
Hà Tây! Vọng gác Thủ Đô!
Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên
Hà Tây...
|
Hà Tây Quê Lụa Sáng tác: Nhật Lai - Thể hiện: Quốc Hương |
Trên báo Phú Yên Online, tôi đọc được một bài viết về Hà Tây quê lụa. Đối với một kẻ sinh ra ở Hà Đông, tắm mát bằng dòng nước sông Nhuệ, sống nhiều năm ở Phú Yên, đây là bài viết hay nhất đọc được trong ngày hôm nay - Ngày cuối cùng còn tên gọi Hà Tây, ngày cuối cùng giai điệu mềm mại, êm mát như dải lụa Vạn Phúc là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây!
Chuyện về bài “tỉnh ca” sắp thành quá khứ
Cách đây ít lâu, tôi nhận được một cuốn sách do người bạn gửi tặng. Đó là tập sách nhạc, tuyển chọn 64 ca khúc được chọn làm “tỉnh ca” của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuốn sách mang tên Đường tôi đi dài theo đất nước, thật giống như một chuyến tàu, chở âm nhạc băng qua bao suối bao sông, bao đồng bao biển để từ Tây Bắc, Đông Bắc về đồng bằng Bắc Bộ, vào miền Trung, vượt lên Tây Nguyên, ghé qua miền Tây Nam Bộ rồi xuống đất Mũi Cà Mau. Khi mở tập sách nhạc này, tôi đã dừng lại khá lâu bên bài Hà Tây quê lụa và hát vang khúc “tỉnh ca” mà cố nhạc sĩ Nhật Lai đã viết. Ông đâu ngờ bài hát này đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây. Bài “tỉnh ca” ấy đã khắc sâu vào tâm hồn và trở thành một thứ tài sản phi vật thể, thành niềm tự hào của cư dân xứ Đông, xứ Đoài…; thành nỗi nhớ quê của kẻ dứt áo ra đi - mà tôi cũng chỉ là một.
Đêm nay tôi tìm lại cuốn sách bạn gửi tặng hôm nào, lật mở trang 84+85, gặp lại những câu nhạc mượt mà của nhạc sĩ Nhật Lai và biết rằng, khi tái bản cuốn sách Đường tôi đi dài theo đất nước, dù yêu biết bao, dù thích nhường nào, bạn tôi cũng bỏ đi bài hát ấy. Nếu để bài hát ở đó, sẽ là một sai sót của người biên tập, vì Hà Tây đã thuộc về Hà Nội… Nhưng mà đó là chuyện của mai này, là công việc của người làm sách.
Khi biết tin Hà Nội có thêm Hà Tây, tôi lấy xe đi qua gốc gạo làng, ra với cánh đồng lúa vẫn như đang rì rào kể chuyện, và chợt nhớ đến Nhật Lai. Ông đã viết Hà Tây quê lụa cho chúng tôi bằng một trái tim nhiều thương mến: “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa/ Sữa trắng Ba Vì thóc vàng Khu Cháy, hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần/ Sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…”. Ông đã viết Hà Tây quê lụa bằng cái nhìn xanh non của một cư dân vùng đất Phú Yên bốn mùa nắng gió.
Tôi đã đọc được ở đâu đó và nhớ như in rằng, nhạc sĩ Nhật Lai sinh năm 1931 ở làng An Nghiệp, Tuy An (Phú Yên). Ông có một cái tên khai sinh thật dễ nhớ, vì trùng với bút danh một nhà văn lớn của Việt Nam: Nguyễn Tuân. Chẳng phải vì “sợ” tên tuổi lớn đó mà ông tìm cho mình một tên gọi khác, mà chỉ đơn giản là ông trông giống người Nhật Bản, nên bạn bè thường nói đùa ông là… lai Nhật. Lâu dần, tiếng gọi “Nhật lai” trở thành bút danh Nhật Lai và được ký dưới những trường ca, nhạc kịch hay ca khúc. Ông cũng chính là anh trai của nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ...
Năm 1954, nhạc sĩ Nhật Lai tập kết ra Bắc, chính thức hòa nhập vào cuộc sống cùng nhân dân miền Bắc. Vì lẽ ấy ông rất hiểu cuộc sống của người dân miền Bắc thời kỳ đó. Trong những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ông xót xa trước cảnh những cánh đồng lúa xanh bị bom đạn cày phá. Từ thực tế cộng thêm nhiều trải nghiệm, Nhật Lai đã xúc động đặt bút viết ca khúc Hà Tây quê lụa. Đó là năm 1965. Giai điệu của bài hát mềm mại, êm mát như tấm lụa làng Vạn Phúc. Thật xúc động biết bao khi nghe tiếng hát nghệ sĩ Quốc Hưng ngân lên da diết: “Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm/ Đồng hợp tác xanh tươi cấy dày thẳng tắp, anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc... Hà Tây, cửa ngõ Thủ đô/ Áo giáp chở che ngàn năm bền vững...”.
Tạo hóa ban cho đất Hà Tây thật nhiều cảnh đẹp: Hương Sơn có suối Yến lững lờ, xứ Đoài mây trắng, sông Tích, sông Đáy hiền hòa trôi xuôi như những dải lụa mềm vắt qua vùng gấm vóc. Mỗi khi bài hát vang lên, ta như được nhìn thấy những em gái má hồng môi đỏ ngồi quay xa dệt lụa, như được tham gia vào một chuyến du ngoạn qua những địa danh nổi tiếng của Hà Tây bằng chiếc xe âm nhạc. Bây giờ, với quyết định nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây về Hà Nội, Hà Tây quê lụa sẽ không còn là một bài “tỉnh ca” nữa. Rồi đây nó sẽ sống một đời sống tự do hơn. Bức tranh bằng âm nhạc về một vùng đất của Việt Nam với lụa là gấm vóc, với “sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…” đã khắc sâu trong lòng người yêu nhạc, như một kỷ niệm khó mờ phai…
HƯƠNG THỊ
hai tam at
12/30/2009 11:43 pm comment
hjhj bai` ne` hay we'. hjhj we mjnh o tan ljnh ba
vj` ha tay (cu~) ne`
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét