Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

Bùi Thanh bị cấm làm báo vĩnh viễn - tin vịt?

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

08/01/2008 10:23 pm





TTXVN đưa tin, ngày 1/8 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã ký Quyết định thu hồi Thẻ Nhà báo của 7 cán bộ, phóng viên. Các nhà báo Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, Bùi Văn Thanh (Bùi Thanh) - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Kim Sánh (Hoàng Hải Vân) - Tổng thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên, Dương Đức Đà Trang (Đà Trang) - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và Trần Đình Dũng (Việt Dũng) - phóng viên Báo Khoa học và Đời sống bị thu hồi thẻ nhà báo vì đã vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi và bà Hoàng Tuyết Oanh - cán bộ báo Người Cao Tuổi bị cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 31/7 đã có tin Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh họp quyết định kỷ luật nhà báo Bùi Thanh với các hình phạt: cách chức Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, thu hồi Thẻ nhà báo, cấm làm công tác báo chí vĩnh viễn. Thông tin này rất được quan tâm, vì mức độ kỷ luật là “đì sát ván”, đồng thời cũng khiến nhiều người nghi ngờ tính đúng đắn của nó. Hãy xét từng nội dung:

- Cách chức Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Việc này đúng chức năng, quyền hạn của Thành Đoàn.
- Thu hồi thẻ nhà báo. Theo quy định của Luật báo chí, cấp và thu hồi thẻ nhà báo là việc của Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông. Thành Đoàn hay Thành Uỷ, Ban Tuyên giáo Trung ương hay Thủ tướng Chính phủ đều không thể làm việc này. Quyết định thu hồi thẻ được Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ký ngày 1/8, nhưng ngày 31/7 thiên hạ đã biết chuyện.
- Cấm làm công tác báo chí vĩnh viễn. Điều này gây ngỡ ngàng, bức xúc nhất. Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đều không có quy định nào về việc Cấm làm công tác báo chí vĩnh viễn. Còn vấn đề cấp và thu hồi thẻ nhà báo được quy định tại Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hoá – Thông tin.
Trong Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT có các quy định sau:

2. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp Thẻ nhà báo
2.1. Người được xét cấp Thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:
a. Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;
b. Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba (3) năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp Thẻ;
c. Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;
d. Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp Thẻ;
e. Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp Thẻ nhà báo.
2.2. Các trường hợp sau đây không được xét cấp Thẻ nhà báo:
a. Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 mục II;
b. Bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ra Quyết định kỷ luật đến thời điểm xét cấp Thẻ;
c. Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d. Bị Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định thu hồi Thẻ nhà báo do vi phạm quy định của pháp luật mà thời gian thu hồi Thẻ chưa quá 12 tháng kể từ ngày ra quyết định đến thời điểm xét cấp thẻ.

9. Thu hồi Thẻ nhà báo
9.1. Người được cấp Thẻ nhà báo bị thu hồi Thẻ nhà báo trong các trường hợp:
a. Bị cơ quan tố tụng quyết định khởi tố bị can;
b. Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong hai năm;
c. Vi phạm các quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí, sử dụng Thẻ nhà báo không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng;
d. Bị kỷ luật buộc thôi việc tại cơ quan báo chí;
9.2. Cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí có trách nhiệm báo cáo với Bộ Văn hóa - Thông tin để ban hành các quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với các trường hợp quy định tại điểm 8.1 và điểm 8.2 khoản 8 mục II của Thông tư này.
9.3. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi Thẻ nhà báo, người đứng đầu cơ quan báo chí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người bị thu hồi Thẻ nhà báo có trách nhiệm thu lại Thẻ nhà báo của người bị thu hồi Thẻ nhà báo nộp lại cho Bộ Văn hóa - Thông tin (Cục Báo chí);
Các cơ quan báo chí ở trung ương nộp trực tiếp về Bộ Văn hóa - Thông tin (Cục Báo chí).
9.4. Người bị thu hồi Thẻ nhà báo chỉ được xét cấp lại Thẻ sau một (1) năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi đối với trường hợp vi phạm quy định tại tiết b, tiết c, tiết d điểm 9.1 khoản 9 mục II; sau ba (3) năm, kể từ ngày có quyết định xóa án đối với trường hợp vi phạm quy định tại tiết a điểm 9.1 khoản 9 mục II của Thông tư này.
Như vậy, trong các văn bản pháp quy về nghề báo không có điều khoản nào về chuyện cấm vĩnh viễn ai đó làm báo hoặc thu hồi vĩnh viễn thẻ nhà báo.
Xét rộng sang khía cạnh Hình sự. Trong Chương V – Hình Phạt của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định các Hình phạt chính và Hình phạt bổ sung. Trong các loại Hình phạt bổ sung có Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Dưới đây là điều 36 của Bộ Luật Hình sự:

Điều 36. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Người có án tù giam chung thân còn có cơ hội trở lại nghề báo (nếu được ân xá), huống hồ trường hợp nhà báo Bùi Thanh chưa phạm tội hình sự!
Vậy, tin nhà báo Bùi Thanh bị cấm làm báo vĩnh viễn là tin vịt. Nếu đó không phải là là tin vịt, có nghĩa là ai đó đã đứng trên luật pháp! Tôi không tin vào điều này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét