Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

12 tuổi và những đồng tiền đầu tiên kiếm được

            Cách nay vừa đúng 39 năm, tháng 7/1974, vừa 12 tuổi, mình nhận những đồng tiền công lao động đầu tiên. Đồng tiền công đầu tiên mình kiếm được, liên quan đến việc Mỹ ném bom.
          8 tuổi, bắt đầu phải đi vớt bèo tấm về cho vịt ăn, mấy con vịt nuôi ở cái chuồngnhỏ sau nhà 24, khu tập thể viện quân y 103, vẫn được gọi ngắn gọn là “viện 3”.Bắt đầu biết tưới rau, trồng đủ loại rau, ở khoảnh vườn nhỏ bên sông Nhuệ.
          8 tuổi, học lớp 2, bắt đầu biết nấu cơm. Nấu bằng lá cây xà cừ, lá cây phi lao mấy anh chị em đi quét về, nấu bằng bếp lò mùn cưa tự đóng lấy. Bố mẹ đi làm, 3 anh chị lớn đi học buổi sáng, nấu cơm trưa là việc của mình. Hồi đó, mình quá còi cọc,đứng chỉ cao hơn cái bệ bếp một chút, bố đóng cho cái ghế gỗ, cao chừng 2 tấc.Chả cứ gì mình, bà chị hơn mình 2 tuổi cũng phải đứng lên cái ghế ấy mới có thể nấu cơm, luộc rau được. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu ngày đó sao mình có thể nấu được nồi cơm cho cả nhà 9 người ăn, dù có bữa “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét”.
          9 tuổi, đi học về, ăn cơm trưa xong là cùng bà chị cắp cái chậu tôn cũ ra sông Nhuệ mò hến, mò trai, sông Nhuệ hồi đó đầy phù sa, không phải là con kênh nước đen khủng khiếp như bây giờ. Hai chị em lặn ngụp chừng một tiếng, là đủ cho cà nhà có bữa cháo trai ngon lành. Không đi mò trai thì cùng anh Tuân, ông anh thứ hai đi bắt cua ở cánh đồng làng Xa La. Đi bắt cua lúc trưa vì lúc đó người làm đồng đã nghỉ, không bị họ đuổi vì lo mình giẫm lúa, lo bờ ruộng bị phá. Hai anh em quần đùi áo cộc, mỗi đứa một cái giỏ, lui cui nghi ngóp trên cánh đồng giữa trưa nắng chang chang. Anh Tuân có cái móc sắt để móc cua, còn mình dùng móc không khéo, hay xé rách con cua trong hang, nên cứ tay không thọc vào hang. Nhiều lần thọc trúng con rắn nước, đã có lần bị rắn nước cắn, ngứa ít bữa rồi hết. Cua mình bắt nấu với rau ngót mình trồng, làm gì có món canh cua nào ngon hơn được.
 Cánh đồng Xa La giờ đã thành khu đô thị Xa La, anh Tuân cũng đã đi xa, mãi mãi…
          10 tuổi, đang học lớp 3 thì Mỹ ném bom trở lại miền Bắc. Cùng các bạn trong lớp, tự tay đào được một đoạn hào giao thông dài, để tránh bom.
          Đồng tiền công đầu tiên mình kiếm được, cũng liên quan đến việc Mỹ ném bom. Đó là vào mùa hè năm 1974.
          Năm đó, dường như đã chắc chắn Mỹ sẽ không ném bom trở lại nữa, viện 3 cho phá dỡ các hầm trú ẩn. Bây giờ, phá dỡ các công trình cũ là việc quá đơn giản, nhưng hồi 1974, cách phá dỡ khác. Khi những vách tường đã bị phá sập, tụi mình được thuê đẽo những mảnh tường đó, mót lại những viên gạch. Tụi mình, là 3 anh em mình, cũng nhiều anh chị khác. Mỗi người một con dao rựa, đẽo bỏ lớp vôi vữa kết dính vào viên gạch. Gạch mót lại được đếm viên để tính tiền, gạch bị vỡ đôi chỉ được tính bằng nừa giá gạch nguyên, vỡ ba không được tính tiền. Mấy ngày đầu, gặp cái hầm xây không quá kiên cố, đẽo gạch dễ, vừa nhanh vừa không bị vỡ, riêng mình cũng được một kiêu (chồng gạch 200 viên), được trả 5 đồng. Khi đó, 5 đồng mua được 5 bát phở, 3 anh em đi làm một ngày được số tiền bằng lương của mẹ trong 1 tuần… Mấy ngày sau, gặp cái hầm phòng mổ, vữa xi măng quá chắc, đẽo 3 viên gạch thì vỡ 2 viên, thu nhập kém hẳn trong khi tay phồng rộp, đau rát.
Đẽo gạch
          Đau, mệt, nhưng vẫn thích đi đẽo gạch, vì vừa có tiền phụ bố mẹ, vừa hóng hớt các anh chị trò chuyện. Đủ thứ chuyện được kể trong khi đẽo gạch. Chuyện ma như chuyện sọ dừa, chuyện cái lưỡi dài, chuyện cổ tích, chuyện nghịch ngợm hồi đi sơ tán, chuyện phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc hay Chị Nhung của Việt Nam… Lần đầu tiên mình nghe nói đến truyện ngắn Cây Táo Ông Lành, chính là trong những ngày đẽo gạch ấy. Có một chị bên làng Hà Trì, mới học lớp 7, hơn mình 3 tuổi thôi, mà thuật lại nội dung Cây Táo Ông Lành, rồi kể những chuyện bên lề, những đồn thổi quanh truyện ngắn ấy, rất mạch lạc, cuốn hút…
          Hồi này, báo chí đang viết nhiều về những gương vượt khó học giỏi. Nhớ lại chuyện ngày xưa, thấy mình cũng là tấm gương vượt khó. Không riêng mình, mà thế hệ mình là thế hệ vượt khó, thành tài.     

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Những anh hùng bất tử

Ngày 31-1-68 31 đồng chí đi chiến đấu, chỉ còn lại 8 đồng chí về đơn vị 88.
Sau một trận đánh dịp Tết Mậu Thân, đại đội 90 đặc công tỉnh Khánh Hòa đã  mất 4 phần 5 quân số.
  

Ngoài vũ khí, thuốc men, đồ cấp dưỡng của những người lính đặc công thật đơn sơ: Mấy cái xoong, chậu, hăng gô, gạo, mì chính...
Trong cuốn sổ được tìm thấy trong một hang đá tại chiến khu Đồng Bò (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh hòa), có cả biên bản kiểm kê tài sản, báo cáo tổng kết đợt thi đua theo lời dặn của Bác Hồ, từ ngày 1-5-68 đến 20-7-68...
Xin kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng, những người bất tử!

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Từ chuyện 5 cân gạo của ông giáo sư

Bữa rồi, có ông phó giáo sư Minh ở học viện chính trị quốc gia nói, lương cơ sở năm 1985 tương đương 60 cân gạo, nay cũng chỉ khoảng 65 cân. Sau 18 năm, lương cơ sở chỉ tăng được tương đương có 5 cân gạo.
Năm 1985, thời đói kém, có gạo đủ ăn là ổn rồi, quy mọi thứ thu nhập ra gạo, cũng hợp lý. Nhưng đến nay còn quy lương ra gạo, cái thứ tư duy, đúng hơn là não trạng cũ mèm.
Giờ bàn chuyện đúng sai của cái so sánh đó. So sánh lương cơ sở 1985 - khi còn bao cấp với lương 2003 - khi trong lương chẳng còn thứ gì bao cấp, thật khập khễnh. Nhưng ông giáo sư đã so sánh, mình cũng thử khập khễnh theo ổng chơi.
Năm 1985, lương cơ sở mua được bao nhiêu cân gạo? Theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18/9/1985, mức lương tối thiểu là 220 đồng/tháng. Giá gạo cung cấp lúc đó là 0,4đ/kg, tức là với mức lương tối thiểu có thể mua 550 cân gạo theo giá cung cấp, quá khủng! Nhưng, đang thời bao cấp, mỗi công chức chỉ được tiêu chuẩn tháng 13- 15 cân gạo, 3 lạng thịt (tương đương 3 cân gạo), vài lạng đường, mấy gam mì chính, mỗi năm chừng 5 mét vải. Tất cả những thứ đó đều được nhà nước bán theo tem phiếu, với giá rẻ như cho. Tính ra, mỗi tháng tiền mua gạo, thịt và các nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn chỉ chừng 20 đồng. Còn lại 200 đồng. Giữa năm 1985, giá gạo chợ tại Sài Gòn là 30 đồng/kg, giá gạo chợ tại Hà Nội chắc chắn không thể thấp hơn. Với 200 đồng, chỉ mua thêm được 7 cân gạo nữa mà thôi. Như vậy, với lương tối thiểu 1985, chỉ mua được không quá 25 cân gạo, làm gì có chuyện mua được 60 cân gạo. Nói có sách, mách có chứng: chỉ thị số 28/CT-UB ngày 20/6/1985 của UBND thành phố Hồ Chính Minh: http://vbpl.hochiminhcity.gov.vn/ViewDocument.aspx?DMS_view=view&DMS_type=2&DMS_key=3866

Lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000đ/tháng, mua được bao nhiêu cân gạo? Theo Cục Quản lý giá, giá gạo tẻ thường từ 8.500đ/kg đến 12.500đ/kg, tạm lấy giá ở giữa, là 11.000đ/kg. Vậy với mức lương tối thiểu hiện nay, có thể mua được 100 cân gạo, không phải chỉ mua được 65 cân gạo như ông giáo sư Minh nói. À, cũng có thể ông giáo sư toàn ăn gạo tám, lên quy lương tối thiểu ra gạo tám, chỉ được 65 cân!
Như vậy, lương tối thiểu hiện nay mua được nhiều hơn 75 cân gạo so với lương tối thiểu năm 1985, tức là mua được lượng gạo nhiều gấp 4 lần, không phải chỉ nhiều hơn 5 cân như ông giáo sư Minh nói.
Nếu ông ấy có ý nói rằng bảng lương hiện nay chưa hợp lý, mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, nên so sánh mức lương với thu nhập bình quân đầu người. Năm 1985, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 100 USD, lúc đó tỷ giá VND/USD là 15 VND/1 USD (http://www.ncseif.gov.vn/sites/en/Pages/nhinlaicachdieuhanhty-nd-10779.html), như vậy 1 tháng lương tối thiểu tương đương 15 USD, bằng 15% thu nhập bình quân đầu người. Hiện nay (lấy mức 2012), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1.540 USD (http://tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/156-doanh-nghiep-thi-truong/1644-toan-canh-kinh-te-viet-nam-2013.html), trong khi mức lương tối thiểu chỉ tương đương 50 USD, bằng 3,3% thu nhập bình quân đầu người.
So sánh như vậy, mới thấy lương tối thiểu hiện nay thua xa lương tối thiểu 1985!