“Gửi hương hồn Võ Đình Tuấn. Không biết giờ này, hương hồn Tuấn đang trôi dạt về đâu, hay Tuấn vẫn còn nơi đó, nơi Tuấn đã nằm xuống, đã yên nghỉ từ ngày ấy mà chưa kịp nói với Dung lời nào... Tuấn ra đi để lại trong mình tất cả những nỗi nhớ nhung, tiếc thương và hối hận. “Dung ừ đi, Dung ừ đi... ", vậy mà Dung vẫn không ừ! Để rồi bây giờ Dung có ừ thì còn đâu nữa Tuấn ơi! Gần mười năm, nước mắt chảy ngược vào lòng rồi Dung cũng sang ngang, chờ đợi đến bao giờ nữa đây hở Tuấn. Mình biết Tuấn không đọc được những dòng này, nhưng Tuấn sẽ cảm nhận được phải không Tuấn!” Đêm 18-4, tôi gai người khi những dòng này hiện lên ở mục comment bài “Gửi lòng thành vào sóng nước Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao” trong blog của tôi.
Liệt sĩ Võ Đình Tuấn
1. Ngày 14-3-1988, trong khi bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ở quần đảo Trường Sa, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh. Muốn được một lần thắp hương ở chính nơi các anh ngã xuống, cuối năm 2010 tôi đăng ký tham gia đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đi thăm và chuyển hàng Tết ra khu vực giữa của quần đảo Trường Sa, nơi có các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Khi nguyện vọng được chấp thuận, tôi nghĩ cần làm một điều gì cụ thể hơn cho thân nhân những người đã quên mình vì nước.
Trong số những người lính đã kết thành “vòng tròn bất tử” và ngã xuống trên đảo Gạc Ma có một chàng trai Khánh Hòa, tên anh là Võ Đình Tuấn. Ngày 22-12-2010, ba ngày trước khi lên đường ra Trường Sa, tôi tìm về quê anh, thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. UBND xã Ninh Ích nhiệt tình cử một cô nhân viên dẫn đường cho tôi.
Cha mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn sống cùng gia đình anh Dũng, em ruột anh Tuấn trong căn nhà khang trang, được Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng. Trên tường nhà, di ảnh Tuấn được treo trang trọng bên bằng Tổ quốc ghi công và quyết định của Chủ tịch nước tặng anh Huân chương Chiến công hạng Ba. Cha Tuấn kể với tôi những kỷ niệm về người con trai mãi mãi tuổi hai mươi, rồi nhờ tôi mang ra Trường Sa một lá thư.
Sáng 12-1-2011, Lễ tưởng niệm những người con đất Việt hy sinh trong sự kiện 14-3-1988 được tổ chức ngay tại khu vực đảo Gạc Ma. Tôi mời anh Tuấn và các liệt sĩ cùng về chứng giám, đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta. “Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát.” Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi đáp xuống, hòa vào sóng nước Trường Sa… Bài trên báo Tiền Phong và clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!”
2. Tôi hồi âm ngay sau khi Dung để lại tâm sự trên blog của tôi. Sau một tuần, nhận thấy sự chân thành của một cựu chiến binh ở Campuchia và hơn tuổi mình, thêm sự thuyết phục của một nữ đồng nghiệp của tôi, Dung bắt đầu kể về những điều thầm kín, đã chất chứa trong lòng hơn 20 năm. Những phiên chat giữa chúng tôi thường có những khoảng lặng khá dài. Những khoảng lặng dành cho nước mắt.
Dung và Tuấn quen nhau qua một người bạn. Dung là “tiểu thư thị trấn”, còn nhà Tuấn nghèo, sau mỗi buổi học Tuấn phải đi làm ruộng phụ mẹ. Dung thường từ thị trấn Ninh Hòa, nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa đạp chiếc xe mi ni đỏ vượt hơn 15 cây số vào Ninh Ích thăm Tuấn. Tình yêu của hai người thật đơn sơ mộc mạc, họ chưa dám cầm tay nhau, nói chi đến một nụ hôn. Nhưng chuyện tình cảm của đôi bạn trẻ, cha mẹ họ và bà con lối xóm đều biết. Năm 1987, Tuấn nhập ngũ, Dung trở thành sinh viên Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Khoảng một tuần sau khi xảy ra sự kiện 14-3-1988, qua loa truyền thanh, Dung thoáng nghe tên Võ Đình Tuấn trong danh sách những người đã hy sinh hoặc mất tích. Còn đang hoang mang, một cô bạn của Dung từ Ninh Hòa hớt hải đón xe đò vào báo tin dữ. Đất trời như sụp đổ dưới chân Dung. Ảnh hai ngưòi chụp chung cuối năm 1987, Dung còn chưa kịp đưa cho Tuấn. Mươi ngày trước, trên đường từ nhà trở về đơn vị, Tuấn còn ghé thăm Dung. Bên nhau ở bờ biển Nha Trang, Tuấn muốn nghe Dung “ừ” một điều, vậy mà Dung không ừ, để rồi bây giờ Dung có ừ thì còn đâu nữa, Tuấn ơi!
chị Dung và album ảnh kỷ niệm với anh Tuấn
Trong những ngày đau đớn ấy, Dung đã đến nhà Tuấn viếng anh hai lần. Lần thứ ba, Dung đến khi không có ai ở nhà. Đứng trước cổng, Dung để mặc nước mắt tuôn trào hồi lâu rồi lặng lẽ đạp xe ra về. Từ đó, mang nỗi day dứt khôn nguôi, Dung ngại ngần, không ghé nhà Tuấn nữa. Dung đã đến nhiều nghĩa trang, mong thấy bia mộ Tuấn để thắp hương nhưng vô vọng. “Nhiều khi, Dung hy vọng Tuấn không hy sinh, đang ở một nơi nào đó. Một buổi sáng, Tuấn sẽ xuất hiện trước mặt Dung, vóc người tầm thước, nước da ngăm đen, mái tóc quăn, nụ cười chân chất...” Sau gần mười năm chờ đợi, Dung đành nuốt nước mắt vào trong để sang ngang. Người duy nhất được Dung chia sẻ tâm sự sâu kín là cô con gái. Chính cô con gái bảo Dung lên mạng tìm kiếm thông tin về Tuấn, rồi thốt lên khi vào trang blog: “Ảnh bạn của mẹ, sao lại ở đây!” Sau phút sững sờ không tin vào mắt mình, những nỗi niềm ấp ủ bao lâu như được gột rửa, Dung khóc nghẹn ngào suốt đêm đó.
3. Trò chuyện với Dung, tôi nói muốn thăm lại gia đình Tuấn. Dường như chỉ chờ vậy, Dung nói sẽ đi cùng tôi. Sau hơn hai mươi năm, Dung mới lại đứng trước di ảnh Tuấn trên bàn thờ nhà cụ Võ Ta. Lặng lẽ trong bộ đồ đen, mắt sưng đỏ, Dung đặt trước di ảnh Tuấn quyển album và một cuốn nhật ký. “Tuấn ơi, hình của chúng mình đây, Dung chưa kịp gửi cho Tuấn xem...”. Bữa đó, cụ Võ Ta đang ở Bệnh viện Ninh Hòa, cụ bà và anh Dũng đi theo chăm sóc. “Con là Dung đây”, tại bệnh viện, khi nghe câu đó hai cụ ngỡ ngàng rồi ứa nước mắt. “Nếu Tuấn còn, hai đứa đã có con lớn rồi...” Cụ ông ngậm ngùi nói, trong khi hai người phụ nữ ôm nhau khóc. “Cứ đến ngày giỗ anh Tuấn là cha mẹ lại nhắc đến chị...” Chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn nói.
chị Dung gặp cha mẹ anh Tuấn
Buổi tối gặp Dung ở Nha Trang, Tuấn nói chuyện có người khuyên Tuấn ở lại. Tuấn muốn nghe Dung “ừ” về điều đó. Dung bảo Tuấn, chiến sĩ bảo vệ quê hương sao cứ muốn ở lại với bồ! Chúng mình còn trẻ, tương lai còn ở phía trước, Tuấn hãy đi cùng đơn vị. Tuấn nói, hỏi để hiểu lòng Dung, chứ Tuấn đã quyết rồi. Tuấn là người lính, lại giữ toàn bộ quân lương của đơn vị, không thể làm điều đó. Biết là vậy, nhưng hai mươi ba năm nay Dung chưa thể tha thứ cho mình vì đã không nói một tiếng “Ừ”. Nếu biết lần chia tay ấy là lần vĩnh biệt, có lẽ Dung đã bạo gan ngả đầu vào lòng Tuấn một lần, nắm chặt tay Tuấn một lần, để nước mắt mình rớt vào lòng Tuấn, để Dung không mãi ân hận về tình yêu chưa có một nụ hôn...
4. Tôi đã đến thăm nhà Dung, gặp chồng và con gái Dung. Buổi tối hôm gặp cha mẹ Tuấn, Dung đã tâm sự hết với chồng về những nỗi niềm sâu kín. Chồng Dung không giận vợ, anh khen Tuấn đẹp trai, nói “chỉ ghen với người đang sống, sao có thể ghen với người đã khuất.” Dung cũng chia sẻ với chồng về ước nguyện được một lần ra tận nơi Tuấn hy sinh, “muốn thấy ngọn sóng nào đã cuốn Tuấn ra đi.” Ra nơi ấy, Dung sẽ gửi cho Tuấn tấm hình anh chưa được xem, gửi cho Tuấn những câu thơ Dung viết trong nhật ký. Nếu không được ra Trường Sa, Dung muốn nhờ tôi thực hiện ước nguyện ấy. Hôm gặp chúng tôi, anh Dũng cũng nói về nguyện vọng của gia đình. Hai năm trước, sau khi ngư dân tìm được ở khu vực Gạc Ma bốn bộ hài cốt liệt sĩ, anh Dũng và em gái anh là Phương đã được lấy mẫu ADN. Kết quả thử ADN không như mong đợi, nên gia đình càng mong được một lần ra thắp hương ở nơi anh Tuấn nằm lại trong lòng biển.
Tôi và đồng nghiệp có thể giúp Dung, giúp gia đình liệt sĩ Võ Đình Tuấn gửi kỷ vật, gửi lòng thành vào sóng nước Trường Sa. Nhưng lòng thành của chúng tôi có thể nào thay thế được tình cảm thân thiết, máu thịt của họ và mọi gia đình những người đã hy sinh vì Tổ quốc ở Trường Sa. Có lẽ, ở biển Trường Sa, hương hồn các liệt sĩ cũng đang đau đáu ngóng chờ người thân ra thăm.
Tháng 5-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét