Văn chỉ Vĩnh Xương ở 123 đường Phương Sài, Nha Trang là nơi thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng của huyện Vĩnh Xương (thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh và một phần huyện Diên Khánh ngày nay), được xây dựng khoảng giữa thế kỷ 19. Tháng 9/2008, UBND phường Phương Sơn cho phá bỏ Văn chỉ Vĩnh Xương để làm trạm y tế. Khi việc phá dỡ đã gần xong, khung nhà chính và các hiện vật quý giá của Văn chỉ đã bị bán vào tận tỉnh Đồng Nai, giới chức Nha Trang và Khánh Hoà mới tá hoả.
Ông Chủ tịch UBND phường Phương Sơn phân trần, phường không nhận thức được ý nghĩa của văn chỉ, từ nhiều năm trước đã dùng văn chỉ làm trường mẫu giáo. Khi phường làm tờ trình xin bỏ trường mẫu giáo để xây dựng trạm y tế, UBND thành phố đã đồng ý. Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hoà lại nói, trong danh mục di tích lịch sử văn hoá cần bảo vệ của tỉnh không có Văn chỉ Vĩnh Xương. Có lẽ trong quá trình thống kê, do địa phương không giới thiệu nên di tích này đã bị bỏ sót. Trách nhiệm quản lý di tích trước hết thuộc về địa phương. Còn bà Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, tuy nhìn nhận lãnh đạo thành phố đã để xảy ra sự việc đáng tiếc, nhưng bà nói, chưa phải lúc xử lý trách nhiệm, đúng sai.
Ngày 6/10, tại cuộc họp khắc phục “sự cố” do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hoà chủ trì, các bên thống nhất đề nghị UBND tỉnh cho phục dựng Văn chỉ Vĩnh Xương. Rất may, “đại gia” ở Đồng Nai khi biết nguồn gốc những hiện vật mình mua về đã không dám sử dụng để làm quán cà phê, mà hiến tặng cho chùa Linh Phú (Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai). Việc thoả thuận để nhà chùa giao lại hiện vật của Văn chỉ Vĩnh Xương đang được tiến hành. Chi phí để “châu về Hợp Phố” có thể gấp nhiều lần số tiền 23 triệu đồng, phường Phương Sơn thu được khi bán đấu giá hiện vật Văn chỉ Vĩnh Xương.
Tháng 3/2008, khách sạn Bon Air cũ ở 26 Thái Nguyên, Nha Trang đã bị phá dỡ, để tại đó sẽ mọc lên một cao ốc. Khách sạn Bon Air là tài sản của gia đình bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, là nơi bà Kỳ Nam và cố Hoàng thân Souphanouvong đã gặp nhau lần đầu tiên ngày 13/7/1937, rồi kết mối lương duyên Việt – Lào, gắn bó với nhau gần 60 năm. Sau năm 1975, bà Kỳ Nam đã tặng lại toà nhà khách sạn Bon Air cho tỉnh Phú Khánh, nay là tỉnh Khánh Hoà. Nhưng sau những dích dắc, khách sạn Bon Air cũ đã rơi vào tay bà Tư Hường. UBND tỉnh Khánh Hoà đã cho phá toà nhà có giá trị lịch sử và văn hoá đó, trong khi Trung tâm Quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh và Bảo tàng Khánh Hoà không lưu giữ tư liệu gì về nó.
Một di tích đã vĩnh viễn bị xoá bỏ, một di tích có phục dựng cũng không thể như xưa. Liệu Khánh Hoà sẽ không còn lần nào nữa phải trả giá đắt cho sự thờ ơ, rẻ rúng với di sản?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét