Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Chuyện Trường Sa 1988, của người yêu Trường Sa: XI - Hát mãi cho Trường Sa


 “Trường Sa là mảnh đất nóng ở thời bình, gần 30 năm qua, nhiều kỷ niệm với Trường Sa lắm, được hát về Trường Sa là vinh dự lớn lắm.” Ca sĩ Anh Đào tâm sự. 
 Ca sĩ Anh Đào
Tình cảm thấm từng lời hát
 “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng, Trường Sa lắm xa xôi…”, bài hát đầu tiên về Trường Sa được Anh Đào hát là bài “Gần lắm Trường Sa”, nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác năm 1982. Anh Đào là người đầu tiên hát bài này, đến nay vẫn được coi là người hát hay nhất. Bén duyên với Trường Sa từ đó, đến nay đã gần 30 năm.  
Cuốn nhật ký của Anh Đào về Trường Sa bắt đầu được ghi chép năm 1984, năm đầu tiên Anh Đào ra Trường Sa. Xuồng chuyển tải bị sóng đập dềnh lên sụp xuống, người trên tàu phải lựa lúc thuận tiện nhất để nhảy xuống xuồng, tránh bị kẹp giữa xuồng và mạn tàu. Bộ đội lội ra bãi san hô nước tới cổ, kéo xuồng vào đảo. “Có đảo, xuồng không cập vào được vì sóng lớn, hai anh hai bên xốc mình, hô một, hai, ba rồi quăng xuống cho người ở dưới đỡ, như quăng hàng vậy”. Anh Đào cười, kể lại. Lính đảo, ai cũng đen sạm như nhau, quần áo loang lổ vệt muối trắng do giặt bằng nước biển, nhưng nụ cười thật sáng. Đi giữa những nụ cười chiến sỹ như đi giữa rừng hoa phong ba vậy.
Trên đảo Nam Yết đẹp như một làng quê, khi chiến sỹ đi tuần, Anh Đào đi sau, bước lên từng dấu chân của họ in trên cát. Ở đảo Trường Sa khi đó có mộ của một số liệt sỹ, chưa đưa được về đất liền. Những ngôi mộ đơn sơ nằm giữa vạt hoa muống biển, nhiều khi bị sóng trùm lên. Viếng mộ liệt sĩ, cô ca sĩ trẻ cứ ôm vai người bên cạnh mà khóc. Buổi chiều, chiến sỹ tụ tập hết ở bờ tây đảo khiến Anh Đào ngạc nhiên. Sao các anh không ra bờ đảo vào buổi sáng lúc có nắng ban mai, lại ra lúc chiều, trời hanh nắng? “Mặt trời lặn ở đằng Tây, hướng đó là quê nhà, bọn anh ra đây nhìn về quê nhà, nhớ về người thân!” Anh Đào nghẹn lời khi kể lại tâm sự của lính đảo. Chia tay, Anh Đào cứ nắm mãi những bàn tay chai sạn của các chiến sỹ, không muốn rời. Lạ thay, cái mùi khét nắng từ đầu tóc, từ quần áo của họ, sao mà thân thương, sao mà quyến luyến.
  Ít ngày ở Trường Sa khiến Anh Đào thật sự đồng cảm với những người lính đảo. Chị hát “Gần lắm Trường Sa” càng hay hơn, tình cảm gắn bó chân thật với Trường Sa thấm vào từng lời hát.

Hát bao nhiêu cũng chưa đủ
Tháng 4-1988, máu vừa đổ ở vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, đài, báo vừa đăng tải danh sách 74 người hy sinh, mất tích. Đoàn ca múa Hải Đăng thông báo đi Trường Sa, nhiều ca sỹ lấy lý do con nhỏ, đau ốm để thoái thác. Anh Đào nghĩ, chính lúc này là lúc bộ đội Trường Sa cần nhiều nhất sự động viên, chia sẻ của của mọi người ở đất liền. Sau chuyến đi năm 1984, Anh Đào vẫn mong được quay lại Trường Sa, về với Trường Sa. Xin được đi Trường Sa, Anh Đào mua thật nhiều xoài, cà phê, thuốc lá mang ra tặng chiến sỹ. Chuyến đi năm 1988 là chuyến đi nhiều nước mắt của Anh Đào, lệ ứa cả khi đang cười cùng lính đảo. Anh Đào và ca sỹ Thanh Thanh cùng mang theo kim chỉ để tranh thủ khâu áo cho anh em, vừa khâu vừa hát để kìm bớt cảm xúc. Nhưng nhìn chiến sỹ đang nghe, đang ngắm, như uống từng lời hát, nước mắt các chị cứ chực trào ra.
Tại đảo Trường Sa, có lần Anh Đào đang chỉnh lại trang phục ở phòng riêng, chuẩn bị ra hát ở nơi biểu diễn cách đó chừng trăm mét, bỗng nghe tiếng rên ở phòng bên. Chạy qua, Anh Đào thấy một anh đang nằm, sốt cao lắm. Anh tên là Vinh, đảo phó, ra Trường Sa đã 4 năm, uống nước giếng san hô nên nhiễm bệnh. Anh Đào lấy khăn dấp nước đắp cho anh, rồi ra hát cho mọi người. Hát xong, chị chạy về, vừa quạt vừa hát cho anh Vinh. Biết anh ở khu Bốn, Anh Đào hát bài “Giận thì giận, thương thì thương” rồi “Người ơi người ở đừng về”, vừa hát vừa khóc… 
Anh Đào và chiến sĩ đảo Phan Vinh, tháng 5-1988, ảnh của Nguyễn Viết Thái

Lên đảo, anh em chiến sỹ yêu cầu hát về vùng quê nào, Anh Đào, Thanh Thanh và cố nhạc sĩ Xuân An hát về vùng quê đó. “Hát bao nhiêu cho chiến sỹ Trường Sa, cũng chưa đủ, chưa xứng với tình cảm các anh dành mình.” Anh Đào tâm sự. Khi lên đảo An Bang, Anh Đào bị xỉu vì say sóng, tỉnh dậy thấy đang nằm trên miếng ván lót trên mấy can sắt. Còn đang váng vất, Anh Đào giật mình khi thấy một anh đến ngồi cạnh chị, đưa tay xuống dưới “giường”. Anh kéo ra một can màu trắng loại 5 lít đựng nước, pha sữa cho chị. Ngày đó, tiêu chuẩn mỗi người trên đảo chỉ được 5 lít nước, lại còn tiết kiệm mỗi người nửa lít để tưới cây bàng đầu tiên trồng trên đảo…
Đêm ở đảo Phan Vinh, đang hát Anh Đào thấy mọi người chuyền tay nhau đưa chị một gói giấy xi măng. Hát xong, chị vô hậu trường, giở gói giấy thấy có 3 cái trứng chim biển và mẩu giấy nhỏ ghi “trứng chim biển đã luộc chín rồi, gửi cho ca sỹ Anh Đào ăn nhé”. Chị khóc vì hạnh phúc. Đêm đó, đang ngủ bỗng nhiên chị nghe tiếng reo hò, giật mình tỉnh dậy, thấy mấy chục chiến sỹ đang tắm mưa, như một bầy trẻ quê. Trời ơi, nửa đêm tắm mưa, cảnh chỉ có ở Trường Sa. Anh Đào lại không kìm được nước mắt.

Người của Trường Sa
Sau lần Anh Đào ra Trường Sa lần thứ hai năm 1988, chồng chị bảo chị chuyển ngành, không đi hát nữa. Khi đó con trai chị mới hơn 3 tháng tuổi. Chị xin anh cho ba đêm để suy nghĩ. Đồng nghiệp kể, khi họ ra Trường Sa, chiến sỹ đều hỏi có ca sỹ Anh Đào không. Ai cũng ước được lính Trường Sa yêu mến như mình, sao mình lại nghỉ hát, lại không được ra Trường Sa nữa. Chị nói với anh, không thể chuyển ngành. Anh ấy buồn, những lần chị đi hát, tình cảm của anh ấy giảm dần. Anh đi làm ăn xa, xa dần… Từ đó, Anh Đào nuôi con một mình. Năm 2002 và năm 2004, chị lại ra với Trường Sa. Dịp Tết Giáp Thân (2004), cầu truyền hình được tổ chức tại đảo Trường Sa, Anh Đào được ăn Tết với chiến sỹ trên đảo, được đón tuổi mới ở Trường Sa. Tối 21-3-2010, chương trình truyền hình trực tiếp “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc” tổ chức tại Quân cảng Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, Anh Đào lại được mời hát về Trường Sa. “Trường Sa là mảnh đất nóng ở thời bình, gần 30 năm qua, nhiều kỷ niệm với Trường Sa lắm, được hát về Trường Sa là vinh dự lớn lắm.” Chị tâm sự. 
Nhiều người hỏi, sao Anh Đào không là nghệ sỹ ưu tú. Nhưng đối với Anh Đào, được gọi là “ca sỹ của Trường Sa” là danh hiệu lớn nhất, vinh dự lớn nhất của chị. Khi hát về Trường Sa, Anh Đào không coi mình là ca sỹ, chiến sỹ Trường Sa không phải là khán giả. Chị là người của Trường Sa, đang trở về quê hương của mình, chia sẻ tình cảm với người thân của mình.   
Anh Đào (thứ ba bên trái), ca sĩ Thanh Thanh (đeo kính) và cố nhạc sĩ Xuân An (giữa hai ca sĩ) ở đảo Trường Sa Lớn, tháng 5-1988, ảnh của Nguyễn Viết Thái
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Anh Đào hay nhắc lại những lần đi qua đảo Gạc Ma, dự lễ thả vòng hoa tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh ở đó. “Các anh ấy còn trẻ lắm, mãi không được về với người thân. Khi đến đó, Anh Đào luôn cầu mong cho Trường Sa mãi mãi bình yên, để những đứa con của Tổ quốc không còn phải ngã xuống nữa.” Chị hát “Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu, ơi Trường Sa ơi…”, những giọt lệ lại lăn dài trên má.  

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/545092/Hat-mai-cho-Truong-Sa-tpp.html 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét