Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Thư ngỏ về phim "Linh hồn Việt cộng"

Category: văn hoá, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

09/15/2008 11:35 pm
Sau khi đăng trên blog của mình, sáng qua Lê Bá Dương đã gửi qua Bưu điện Thư ngỏ về vụ phim Linh hồn Việt cộng của Minh Chuyên đến nhiều nơi.

Trong Thư ngỏ dài gần 6000 chữ, Lê Bá Dương đã phân tích những điểm mâu thuẫn, phi lý, giả tạo, lố bịch trong phim của Minh Chuyên, bút ký dự thi “Gió dữ, gió lành” của Minh Chuyên trên báo Văn Nghệ và những trả lời của nhà văn này sau khi phim được chiếu 2 lần trên VTV1, gây những dư luận trái chiều.

Thời chiến tranh chống Mỹ, mỗi khi vào trận, những người lính chúng tôi đều phải tự chuẩn bị sẵn cho mình một cái lọ Penixiline, (Thực chất là tự chuẩn bị cho mình một chiếc bia mộ theo kiểu chiến trường) trong đó đựng một mẩu giấy nhỏ do mỗi người tự ghi tên, số thứ tự trích ngang và phiên hiệu quy ước đơn vị rồi bỏ vào túi áo , phòng khi hi sinh, đồng đội chỉ cần lấy chiếc lọ đó ra, đặt vào vòm miệng, chôn cất để sau này dễ tìm ... Ví như mẩu giấy hồi đó của tôi ghi : Lê Bá Dương 321 - 2 - 5270 - Quân giải phóng Quảng Trị. Trên thực tế nếu viết đúng phiên hiệu thật của đơn vị thì phải ghi là: Lê Bá Dương, số trích ngang 321, thuộc tiểu đoàn 2 , trung đoàn 27, mặt trận B5 quân giải phóng Bắc Quảng Trị! Đây là nguyên tắc bảo mật tuyệt đối nhằm không để lộ phiên hiệu đơn vị tham chiến tại mặt trận. Cũng với nguyên tắc bảo mật đó , thì nội dung trong chiếc lọ Penixiline của LS Hoàng Ngọc Đảm (nếu có) phải được ghi là: Hoàng Ngọc Đảm - KN - P - 280 Quân giải phóng Miền Trung, Trung Bộ.
Do không hề có cái lọ Penixiline chôn cùng di cốt được đào trộm, và cũng hoàn toàn không biết, không hiểu gì về thực chất chiếc "bia mộ" bằng lọ Penixiline này của anh em chiến sỹ Quân giải phóng thời chống Mỹ nên nhà văn Minh Chuyên mới hớ hênh khi bịa ra chi tiết này qua lời bình rất hùng hồn trong phim ...Trong lúc bới tìm từng đốt xương, một lọ penexilin được tìm thấy lẫn trong hài cốt. Nắp lọ được mở ra, một mảnh giấy gấp nhỏ trên viết bằng mực xanh đã ố nhoè nhưng vẫn đọc được: Họ và tên Hoàng Ngọc Đảm, đơn vị C2 - D67, quê quán: Làng Nha, xã Thái Giang, Huyện Thái Thuỵ, Thái Bình...
Bởi là những người lính thực sự đi ra từ chiến tranh, chúng tôi không khó khăn gì để nhận ra sự bịa chuyện một cách ngớ ngẩn của nhà văn, nhà đạo diễn Minh Chuyên. Đơn giản, không ai lúc đó lại ngây ngô đến mức vi phạm nguyên tắc bảo mật để để viết cụ thể tên đơn vị rồi mang theo người khi ra trận!
Cũng xin lưu ý một chi tiết về nội dung dòng chữ ghi quê quán trong lọ Penixiline, để qua đó khẳng định chắc chắn nó hoàn toàn do nhà văn Minh Chuyên "sáng tác" 100% sai sự thật.
Mẩu giấy do nhà văn Minh Chuyên "sáng tác" ghi quê quán của LS Đảm ở huyện
Thái Thuỵ. Trên thực tế vào thời điểm năm1969, Thái Bình chỉ có huyện Thái Ninh, sau giải phóng mới được đổi tên thành huyện Thái Thụy. Điều này có thể nhận thấy trong nội dung các giấy khen của LS Đảm (được CCB Homer lưu giữ và chuyển trao cho gia đình LS) do đơn vị tặng vào năm 1969 được ghi huyện Thái Ninh đúng như tên gọi lúc đó của huyện Thái Thụy bây giờ.

Chính vì vậy tôi, với tư cách một Cựu chiến binh Việt Nam - Đồng đội của các Liệt Sỹ đã phải làm một việc cần làm lúc này là qua môt bức thư ngỏ dài , trình bày kỹ lưỡng hệ thống các sự việc, chứng lý để từ những tình tiết gian trá được coi là "tiểu tiết" trong phim Linh Hồn Viêt Cộng để quý vị có cơ sở xem xét và xử lý vấn đề sao cho có tình, có lý, trước hết vì lợi ích cộng đồng. Nhất quyết không vì thoả mãn nhu cầu làm vợi nỗi đau của một người, một gia đình mà bỏ qua nỗi đau của nhiều người, nhiều gia đình cũng như làm phương hại niềm tin của đồng bào chiến sỹ cả nước vào chính sách Thương Binh, Liệt Sỹ của Đảng, nhà nước.

Cũng xin được thắp một nén hương tạ lỗi với vong linh LS Hoàng Ngọc Đảm và các LS khác. Vì để bảo vệ quyền được hoàn nguyên danh tính cho các anh, tôi đã không còn cách nào khác để không phải nhắc và đưa tên tuổi các anh vào trang viết đau đớn, xót xa trước đây cũng như trong thư ngỏ này.
Nha Trang 12/9/2008
Kính thư
LÊ BÁ DƯƠNG

Từ hơn nửa tháng nay, blog của Lê Bá Dương dường như chỉ dành để viết về vụ này. Trong đó, có cả “Người quản trang “tội nợ”, có cả bài báo không được đăng. Có cả việc người ta nhờ cậy một đồng đội, người bạn chiến đấu sinh tử và là người anh hơn tuổi của Lê Bá Dương nói với anh, đừng dính vào vụ này nữa. Anh trả lời: “Riêng người bạn chiến đấu, người đồng đội và người anh yếu quý một thời sinh tử, đây là lần đầu tiên tôi xin không nghe lời khuyên của anh. Một lời khuyên chân tình nhưng bị lạc ra khỏi tâm ý vốn có của anh. Rất có thể những việc tôi làm tới đây sẽ làm anh không vui, thậm chí dù không muốn, nhưng có thể ít nhiều đụng chạm đến anh. Song anh hiểu và tin tôi đã làm đúng khi đặt lợi ích của nhiều người lên một người.”
“Đò lên Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Nếu ai đó hỏi tại sao Lê Bá Dương quyết theo đến cùng vụ “Linh hồn Việt cộng”, xin nhớ rằng, anh là tác giả của những câu thơ lay động lòng người ấy!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét