Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2008

Học tập hay xúc phạm Hồ Chí Minh?

Category: Xã hội, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

06/13/2008 10:00 am
Ở giữa sân khấu trang trí công phu, ngay dưới tên cuộc thi là tên và logo của nhà tài trợ. Dưới khán đài, cổ động viên mang theo nhiều băng-rôn. Đến phần thi của thí sinh đội nào, cổ động viên đội đó đứng lên giương cao băng-rôn, hô to tên thí sinh và tên đơn vị. Thí sinh được giải nhất với quà tặng trị giá vàu chục triệu đồng tươi cười trả lời phỏng vấn: “Có được kết quả hôm nay, em rất vui vì đã không phụ lòng mong đợi của cả tập thể, em xin cảm ơn!” Người không được giải phân trần : “Hôm nay phong độ của em không được tốt.” Đó là một cuộc thi tài của học sinh, sinh viên, của doanh nghiệp? Không, đó là chung kết cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Khắp nơi trên đất nước này, những cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang tiếp tục diễn ra. Quận, huyện, tỉnh, thành, Bộ, ngành…, nơi nào cũng tổ chức. Thí sinh được chọn trong những “hạt nhân” văn nghệ quần chúng, những người có khiếu diễn thuyết. Những câu chuyện kể được sưu tầm qua sách báo, mà cũng chẳng cần sưu tầm, vì đã có cuốn sách “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cứ theo đó mà kể. Thí sinh được giảm bớt hoặc nghỉ hẳn công việc đang làm, để ngày này qua ngày khác, hàng tháng trời tập kể câu chuyện sao cho nhuần nhuyễn không vấp váp, để giọng nói, gương mặt có vẻ có cảm xúc. Có người tập, tất phải có người hướng dẫn uốn nắn, có chỉ đạo viên. Đội này đầu tư kinh phí lớn cho cuộc thi, đội khác cũng chẳng kém cạnh. Mục đích dự thi, đoạt giải để “lập thành tích” lấn át, làm nhạt nhoà mục đích học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Có rất nhiều thí sinh chọn kể những câu chuyện về những ngày cuối cùng, về phút lâm chung của Hồ Chí Minh. Nhập đề với giọng nói bi thương, kể được vài câu về chuyện do người khác kể lại, họ bắt đầu ngẹn lời rồi rơi nước mắt, sụt sùi. Cảm xúc của họ là thật hay diễn, giả tạo? Chuyện kể về phút lâm chung của Hồ Chí Minh có phù hợp với việc học tập tấm gương đạo đức của Người, có đầy cảm xúc sâu lắng được như bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của Trần Hoàn? Một số thí sinh chọn thể hiện những câu chuyện khác lại thao thao sáo rỗng, cốt trổ tài nói, tài kể cổ tích cho thiếu nhi.
Hồ Chí Minh là con người người nói ít, làm nhiều, con người coi trọng sự thiết thực và có hiệu quả trong hành động. Hồ Chí Minh là tấm gương tiết kiệm, giản dị. Nhưng trong cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rộng hơn là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có rất nhiều sự phô trương hình thức, rất nhiều sự hời hợt lấy thành tích, rất nhiều sự lãng phí vật lực, trí lực, thời gian. Ở mức độ nào đó, người ta đang xúc phạm, đang làm phai nhạt tình cảm của người dân dành cho Hồ Chí Minh. Người ta đang đi ngược lại tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh?! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét