Trong những cách Chính phủ ép Quốc hội thông qua nghị quyết về việc mở rộng Hà Nội, có cách “doạ” về trách nhiệm phải gánh chịu nếu chậm thông qua. Như Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chỉ có thể có chủ trương về địa giới hành chính mới có được một bộ máy lãnh đạo Hà Nội mới. Không có bộ máy lãnh đạo mới của Hà Nội, làm sao xây dựng được quy hoạch? Từ quy hoạch mới lập ngân sách được, mới gọi đầu tư được… Như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Nếu chúng ta không thông qua, sẽ có một quy hoạch treo khổng lồ. Bởi vì, nếu đặt vấn đề lùi thời gian thông qua vào một lúc nào đấy, thì rõ ràng trong tâm lý sẽ có sự chờ đợi, thì đúng là treo khổng lồ.
Nực cười! Chính các bác gây ra tình trạng nhấp nhổm không yên cho dân tình, cho quan chức, nay lại tìm cách đổ cho Quốc hội. Cái chuyện treo này, phải đâu bây giờ mới có. Nó cứ lửng lơ đung đưa từ 30 năm nay rồi.
Năm 1979, Hà Nội được mở rộng gồm huyện Hoài Đức của tỉnh Hà Đông cũ và thị xã Sơn Tây, các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất…, nói chung là tỉnh Sơn Tây cũ trừ huyện Quốc Oai, hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn của Vĩnh Phú. Cũng có dự tính sáp nhập thị xã Hà Đông vào Hà Nội, sau khi xây dựng xong cái gọi là “thành phố Xuân Mai” để làm tỉnh lỵ mới của tỉnh Hà Sơn Buồn. Tỉnh Hà Sơn Bình cho rằng, sớm muộn gì Hà Đông cũng về Hà Nội nên chẳng đầu tư gì đáng kể cho nó, trong khi Hà Nội chưa tiếp quản Hà Đông, tất nhiên chưa thể dài tay tới đây. Thậm chí đến năm 1991 khi Hà Sơn Buồn lại tách ra thành Hà Tây và Hoà Bình, Hà Nội trả lại Hà Tây toàn bộ những phần đất đã lấy năm 1979, vẫn có thông tin rằng thị xã Hà Đông sẽ về Hà Nội.
Tội nghiệp thị xã Hà Đông, như cô con gái đã được cha mẹ đồng ý gả làm dâu nhà người, phía nhà trai đã đưa lễ dạm nhưng không chịu làm đám cưới. Họ không chịu làm đám cưới, nhưng cũng không đánh tiếng này bà Lý Toét ơi, con tôi không lấy con bà! Cô gái đẹp Hà Đông cứ tàn phai nhan sắc dần theo những ngày mỏi tháng mòn. Thị xã Hà Đông - Cầu Đơ xưa từng là đô thị quan trọng, nhà cầm quyền thực dân Pháp khi thấy ai đó là phần tử nguy hại cho nhà nước bảo hộ thường ra lệnh trục xuất và cấm người đó lai vãng đến những đô thị lớn của Bắc Kỳ là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Hà Đông. Nhưng sau gần 30 năm bị treo, Hà Đông dần trở thành cô gái già, một đô thị không bản sắc, mãi đến cuối năm 2006 mới được nâng cấp lên Thành phố, sau cả “em út” là thị xã Hoà Bình. Các vị đại biểu Quốc hội ơi, các vị nên bấm nút tán thành chủ trương xoá sổ Hà Tây đi, nếu không sẽ nhận luôn “tội” để Hà Đông tàn tạ suốt 30 năm đấy!
Ngày 1/7/1989, các tỉnh Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh được chia tách thành các tỉnh cũ trước 1976, sau đó là việc chia tách nhiều tỉnh khác. Tưởng rằng, sẽ hết thời tỉnh dài, huyện rộng, xã to, hết thời của những ham hố hoàng tráng vượt quá năng lực quản lý. Nào ngờ đúng 29 năm sau, từ ngày 1/7/2008 sẽ lại có một Hà Nội hoành tráng, cạnh tranh được với các thủ đô khác trong khu vực! Tại sao thủ đô Hà Nội lại phải cạnh tranh với các thủ đô khác nhỉ, cạnh tranh về cái gì?
Hà Tây gọi tép bằng tôm, Bà Vií cò cón bò vaáng, đó là những câu thường được mang ra để đùa giỡn, khích bác, giễu cợt… người Hà Tây. Ít ngày nữa thôi, chúng sẽ được dùng để châm chích người Hà Nội. Và khi người ta gọi người Hà Nội là người Hà Lội, sẽ chẳng còn oan nữa. Trước nay, với những lời chê người Hà Nội nói ngọng, người ta biện bạch rằng những người nói ngọng chỉ là dân nhập cư, ngụ cư ở Hà Nội. Nhưng từ 1/7/2008, người Hà Tây sẽ tự tin mang gia phả ra khoe, rằng tôi nà người Hà Lội gốc lăm đời, nhé! Thành thật mà nói, Hà Tây của tôi có tỷ lệ người nói ngọng không được thấp lắm. Và, dân Hà Tây cũ sẽ chiếm chừng 40% dân số Hà Nội mới.
Có thể, những người chủ trương mở rộng Hà Nội theo phương án duy nhất đã trình Quốc hội sẽ được thoả mãn vì có một thủ đô Hà Nội bậc nhất thế giới về diện tích, có đủ mọi chức năng. Nhưng có còn một Hà Nội – Tràng An thanh lịch để tự hào? Chất Hà Nội đã bị pha loãng dần trong hơn 50 năm qua, sẽ bị pha loãng hẳn trong nay mai. Và Hà Tây, đất của làng nghề, của Xứ Đoài mây trắng, của Hà Đông quê lụa có còn được như ngày nay? Những người muốn xoá sổ Hà Tây có giữ được màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên, để anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét