Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt

Category: lịch sử, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

05/31/2008 07:41 pm
“Năm cháu lưu truyền có sướng không - Bốn rồng một phụng gắn thêm bông - Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt - Tài đức lẫy lừng cõi Á Đông”. Đó là những vần thơ do ông Nguyễn Văn Sung, Chủ sự Bưu điện Khánh Hoà làm tặng vợ chồng con gái ông khi đứa con thứ 5 và là con gái đầu tiên của họ chào đời.
Ảnh cưới của Hoàng thân Souphanouvong và bà Kỳ Nam
Tháng 6/1937, Hoàng thân Souphanouvong tốt nghiệp trường Quốc gia Cầu đường Paris. Theo lẽ thường, Hoàng thân sẽ trở về Lào. Nhưng khi đó, tại Lào chỉ có một tuyến đường lớn và hầu như không có cầu là đường Viêng Chăn – Luang Prabang, nên ông được bổ nhiệm về Sở Công chính Trung kỳ tại Nha Trang (Travaux Publics). Sáng 13/7/1937, đúng sinh nhật lần thứ 28 của Hoàng thân Souphanouvong, ông đáp tàu hoả từ Sài Gòn ra tới Nha Trang.
Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, trước ga có một vườn hoa rộng, hai bên vườn hoa là hai khách sạn - hai toà nhà giống hệt nhau về vẻ ngoài và cùng kiểu dáng kiến trúc, cùng màu sắc với nhà ga. Với sự hài hoà, khoáng đạt, độc đáo của cảnh quan kiến trúc, ga Nha Trang từng được coi là ga đẹp thứ nhì Đông Dương, chỉ sau ga Đà Lạt. Đứng ở sân ga nhìn hai khách sạn giống nhau, Hoàng thân Souphanouvong phân vân chọn nơi tạm trú. Khách sạn ở phía Tây của Hoa kiều A Tỷ có tên Terminus, theo tiếng Pháp nghĩa là Cuối Cùng. Khách sạn ở phía Đông của ông Nguyễn Văn Sung mang tên Bon Air - Không Khí Trong Lành. Hoàng thân đã chọn khách sạn ở phía của bình minh, chọn Không Khí Trong Lành. Một lựa chọn định mệnh, không chỉ với riêng ông.
Bon Air Hotel

Bon Air Hotel
Ông Nguyễn Văn Sung có con gái đầu sinh ngày 21/12/1921 tên là Nguyễn Thị Kỳ Nam, theo tên thứ sản vật quý của Khánh Hoà. 17 tuổi, cô Kỳ Nam có vóc dáng cân đối, nước da trắng, mái tóc đen óng ả, giao tiếp hoạt bát tự nhiên theo phong cách “Tây”. Tháng 7/1937, cô học sinh trường nữ học Đồng Khánh (Huế) đang được nghỉ hè, phụ giúp cha mẹ ở quầy tiếp tân Bon Air Hotel. Trai tài gặp gái sắc, tình cảm giữa Hoàng thân xứ Triệu Voi và hoa khôi xứ trầm hương nảy nở rất nhanh. Ngày 19/1/1938, tiệc cưới của Hoàng thân Souphanouvong và cô Kỳ Nam được tổ chức tại Grand Hotel (nay là Nhà khách 44 Trần Phú, Nha Trang).
Sau ba năm làm Trưởng phòng Kỹ thuật tại Travaux Publics (nay là Bảo tàng Khánh Hoà, 16 Trần Phú), Hoàng thân Souphanouvong được thuyên chuyển sang Mường Phìn (giữa Đông Hà và thị xã Savannakhet, Lào), rồi về Vinh. Ông đã tham gia thiết kế và phụ trách thi công nhiều công trình như đập Bái Thượng (Thanh Hoá), đập Đô Lương, cầu Yên Xuân (Nghệ An), tháp nước bên sông Cà Ty, nay là biểu tượng của thành phố Phan Thiết… Lấy chồng, bà Kỳ Nam mang tên Lào là Viêng Khăm (Vienkham, theo tiếng Lào có nghĩa là Thành Vàng, tên cũ của thủ đô Viêng Chăn). Ông bà có tám con trai, hai con gái.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Souphanouvong ra Hà Nội bàn việc bảo vệ nền độc lập non trẻ của Việt Nam và Lào. Tháng 10/1945, Hoàng thân trở về Lào tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Ông được cả thế giới biết đến với danh hiệu “Ông Hoàng Đỏ”. Cho tới khi Hoàng thân mất ngày 9/1/1995, bà Viêng Khăm đã gắn bó với ông gần 60 năm, trong đó có 30 năm kháng chiến gian khổ. Bà mất ngày 1/9/2006.
gia dinh voi BacHo


Bà Viêng Khăm và các con thăm Bác Hồ năm 1960
Năm 1978, Hoàng thân Souphanouvong - khi đó là Chủ tịch Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và bà Viêng Khăm đưa con cháu về thăm Nha Trang. Sau chuyến về quê nhà, bà Viêng Khăm mời gia đình người em ruột là bà Nguyễn Thị Ba Hường sang thăm Lào. Ở Viêng Chăn, bà Viêng Khăm cùng Hoàng thân Souphanouvong và bà Ba Hường bàn việc tặng toà nhà Bon Air Hotel cho tỉnh Phú Khánh… Trân trọng người góp phần quan trọng vun đắp mối quan hệ thân thiết Lào - Việt, nhiều cán bộ lão thành của tỉnh Khánh Hoà đã đề nghị gắn biển ghi nhớ Hoàng thân Souphanouvong ở Bảo tàng Khánh Hoà, đặt tên Souphanouvong cho đường Thái Nguyên, nơi có Bon Air Hotel. Tuy nhiên…
Sau khi được tặng toà nhà Bon Air Hotel, UBND tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hoà) giao nó cho một Công ty du lịch. Cty này sử dụng toà nhà làm cửa hàng ăn uống, mang số nhà 26 Thái Nguyên. Sau những dích dắc của cổ phần hoá doanh nghiệp, vài năm trước đây toà nhà này thuộc quyền sử dụng của Cty cổ phần Thành Công, có quan hệ mật thiết với bà T.H. - người phụ nữ được coi là nhiều thế lực nhất ở Khánh Hoà. Cuối tháng 3/2008, công ty này đã cho phá dỡ toà nhà 26 Thái Nguyên để lấy mặt bằng xây cao ốc văn phòng. Bon Air Hotel bị san phẳng, trong khi Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hoà và Bảo tàng Khánh Hoà không lưu giữ tư liệu nào về toà nhà này. Đề nghị về việc gắn biển ghi nhớ Hoàng thân Souphanouvong ở Bảo tàng Khánh Hoà cũng bị lãng quên, dù về cơ bản toà nhà Bảo tàng Khánh Hoà vẫn như Travaux Publics cách đây 70 năm!
Hoàng thân - chủ tịch Souphanouvong và bà Viêng Khăm năm 1976
Nhà ga Nha Trang xưa vẫn còn đến ngày nay, phía trước được gắn tấm biển Di tích lịch sử nhắc nhớ ngày Nha Trang đứng lên chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, 23 tháng 10 năm 1945. Vườn hoa trước ga nay là công viên Võ Văn Ký, mang tên người chỉ huy trận đánh quân Pháp ở ga Nha Trang đêm 23/10/1945 và hy sinh anh dũng tại đây. Terminus Hotel được Phòng CSGT, Công an Khánh Hoà sử dụng làm trụ sở, vẫn được giữ vẻ ngoài như xưa. Nếu Bon Air Hotel, nơi nảy nở mối lương duyên Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt cũng được bảo tồn và gắn biển di tích, khu vực ga Nha Trang sẽ vừa là một di tích lịch sử, vừa là một nơi ghi nhớ danh nhân. Việc rất nên làm đối với một thành phố du lịch, nhưng người ta đã không làm. Mới đây một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nói, ông không biết toà nhà 26 Thái Nguyên có liên quan sâu sắc đến Hoàng thân Souphanouvong. Ông nói thêm, nếu nhà đã được tặng thì phía nhận tặng có toàn quyền định đoạt!
Khu vực ga Nha trang hiện nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét