Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

30/3, ngày truyền thống đảo mang tên Anh hùng Phan Vinh

Rạn san hô Phan Vinh
Đảo Phan Vinh thuộc cụm đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 08058’ Bắc, kinh độ 113041’ Đông, ở đầu Đông Bắc rạn san hô Phan Vinh (Pearson Reef) dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Có hình dạng tự nhiên gần tròn, đường kính chỉ hơn 50m, đảo Phan Vinh là đảo nhỏ nhất trong 9 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa có Hải quân Việt Nam đóng giữ. Tuy nhỏ bé, nhưng đảo Phan Vinh có vị trí chiến lược quan trọng, ở giữa quần đảo Trường Sa, gần như cách đều 3 bãi cạn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng đảo nhân tạo trái phép là đá Gạc Ma, đá Chữ Thập và đá Châu Viên, với khoảng cách trên 50 hải lý.
Đảo Phan Vinh tháng 5/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Trước năm 1978, đảo Phan Vinh có tên là Hòn Sập. Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippines đưa quân chiếm đóng bãi An Nhơn (cồn san hô Lan Can, theo tiếng Anh là Lankiam Cay), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân quyết định, phải nhanh chóng đóng giữ các đảo An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Hòn Sập, Trường Sa Đông (Đá Giữa, 4/4/1978). Ngày 30/3/1978, một phân đội của trung đoàn 146, Vùng 4 Hải quân có Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng đi cùng trên tàu 680 thuộc Đoàn 128 đã ra đóng giữ đảo Hòn Sập. Ngày 7/5/1978, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương và Chính ủy Hải quân Hoàng Trà ra đảo Hòn Sập kiểm tra. Tại đây, Tư lệnh Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo Phan Vinh, mang tên Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng của tàu 235 trong đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đảo Phan Vinh tháng 1/2011


So với các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, điều kiện sinh sống ở đảo Phan Vinh khó khăn hơn. Đảo nhỏ hẹp, chỉ có cát san hô trắng trơ trọi, không có nước ngọt, không có cây xanh, mỗi khi có dông gió lớn, sóng đánh bụi nước biển từ bên này sang bên kia đảo. Qua nhiều lần tôn tạo, đảo Phan Vinh đã được mở rộng hơn, các công trình trên đảo đã khá khang trang, có cả chùa Vinh Phúc. Bên cạnh điểm đảo nổi (Phan Vinh A), ta xây dựng thêm điểm đảo chìm Phan Vinh B, cách đảo Phan Vinh A gần 5 hải lý về phía Tây.   
 Đảo Phan Vinh B
Đảo Phan Vinh hiện nay, góc sẫm màu xanh cây cối phía Đông là phần đảo tự nhiên
ảnh vệ tinh Cụm B đảo Phan Vinh 

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Không có chuyện ta phải giành lại Len Đao!

Không có chuyện giành lại Len Đao!
           Tôi đã đôi ba lần viết điều này trên blog, trên facebook, trên báo Tiền Phong. Nhưng hôm nay, lại đọc một bài báo có nội dung “giành lại Len Đao”, buộc lòng phải trở lại chuyện này.
Đại tá Dân cắm lại cờ trên Len Đao ngày 22/4/1988 (do thủy triều lên, dòng chảy làm trôi cờ ta đã cắm) - ảnh tư liệu của Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng Khu vực 2 Sinh Tồn (trong đó có Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) khẳng định, ta cắm cờ và giữ Len Đao từ ngày 14/3/1988, không để mất đá Len Đao nên không có chuyện "giành lại Len Đao". Đại tá Nguyễn Văn Dân đã ở đá Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988, cùng tàu HQ-614. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác, chưa làm nhà cao chân trên đó được vì Trung Quốc cản phá. Có chuyện một đơn vị bí mật đưa vật liệu lên làm nhà ở Len Đao, vì lý do như đã nói ở trên. Nhưng đó không phải là "bí mật giành lại Len Đao".
Bài báo trên Tuổi Trẻ nói về "giành lại Len Đao", nghĩa là Len Đao đã bị Trung Quốc chiếm. Vậy nhưng trong nội dung bài báo, không thấy nói khi quân ta lên "giành lại Len Đao" có gặp lính Trung Quốc nào không, có thấy công trình gì Trung Quốc xây không, có thấy cờ Trung Quốc cắm không?
Việc bí mật đưa vật liệu lên làm nhà ở Len Đao và Cô Lin tháng 6/1988, trong sách Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng

Sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995 cho biết: Do Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 và Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ tổ chức làm nhà ở 2 đảo này. Ngày 28/6/1988, tàu HQ-706 từ Cô Lin đến Len Đao, ủi vào bãi cạn và tổ chức chuyển vật liệu lên bãi. Tối ngày 29/6/1988, ta tổ chức cắm cờ và làm nhà. Trong quá trình ta làm nhà, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m... Ngày 7/7/1988 ta làm xong nhà ở Len Đao, cùng thời gian này cũng làm xong nhà ở Cô Lin.  
Bài trên báo Nhân Dân ngày 22/4/1988 có phần nói về tàu cứu hộ Đại Lãnh khảo sát tàu HQ-605 ở đá Len Đao

Nếu ai đó vẫn cho rằng có chuyện “Len Đao đã bị mất, ta phải giành lại”, xin đọc bài trên báo Nhân Dân ngày 22/4 về hoạt động của tàu cứu hộ Đại Lãnh ở vùng đảo Sinh Tồn. “Ở Len Đao, tổ lặn của tàu cứu hộ Đại Lãnh đã quay camera dưới biển toàn cảnh và các chi tiết con tàu 605 bị chìm ở độ sâu 40 mét. Tổ lặn đã thực hiện nhiều ca làm việc khảo sát bên ngoài và phía trong con tàu 605. Tàu bị pháo Trung Quốc bắn từ phía bên phải. Do đó, khi bị chìm đã lật nghiêng hơn 80 độ ở mạn phải, mạn trái bị một vết thủng lớn do đạn pháo xuyên qua, toàn bộ cabin và xuồng cứu sinh trên tàu đều bị bắn nát”. Tàu Đại Lãnh khảo sát được tàu 605 ở Len Đao vì đá Len Đao do ta kiểm soát, nhưng không khảo sát được tàu 604 ở Gạc Ma, vì đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ ngày 14/3/1988.


Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Những kẻ khốn nạn!

Hôm rồi, có người bình luận trong bài viết về Trường Sa trên facebook của một người anh, rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Bị chỉnh lại, anh kia bảo vệ ý kiến “Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông” bằng cách nói rằng, đã được đi thăm Trường Sa, đã được cung cấp thông tin rất chính xác và đầy đủ.
Bực mình đập lại, ông đã ra Trường Sa, tức là đã ở trên những hòn đảo ở Trường Sa không bị Trung Quốc kiểm soát, mà nói Trung Quốc kiểm soát toàn ḅộ Biển Đông, thật lạ. Chưa ̣́̀̀kể, ông quên những đảo như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc…, quên khu vực khai thác dầu khí và khu Nhà giàn DK1 chăng?
Vụ “đi thăm Trường Sa, được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, do đó biết rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông” là minh chứng rõ ràng điều tôi đã nói: Khách đi thăm Trường Sa không được cung cấp thông tin chính thống có hệ thống về Trường Sa, nên khi đi thăm Trường Sa dễ ở tình trạng như thầy bói xem voi, hiểu biết về Trường Sa, về chủ quyền biển, đảo không có hệ thống, hời hợt. Mặt khác, có những cơ quan, địa phương coi việc đi thăm Trường Sa như một chính sách đãi ngộ, cho nên luân phiên “cấp phiếu du lịch” cho cán bộ đi Trường Sa, cho những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi thăm Trường Sa, ra đảo họ chỉ chăm chăm chụp ảnh tự sướng, hái hoa bàng vuông và tìm vỏ ốc, chả tìm hiểu gì về Trường Sa. Cũng có dấu hiệu cho thấy, có sự lợi dụng chính sách của Nhà nước bao cấp chi phí đi thăm Trường Sa, để đưa người ngoài cơ quan vào các đoàn đi thăm Trường Sa…
Đi thăm Trường Sa rồi về nói rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông, chẳng khác nào nói rằng Việt Nam mình đã mất hết Trường Sa. Những kẻ như vậy là những kẻ ngu ngốc, họ xúc phạm công sức, trí lực của bao thế hệ, của cả dân tộc này, xúc phạm xương máu, xúc phạm hương hồn của bao liệt sĩ đã hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.


Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

16/3, ngày truyền thống đảo Đá Nam

Đá Nam, nhìn từ hải đăng đảo Song Tử Tây

Bãi san hô Đá Nam thuộc cụm đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 11030’ Bắc, kinh độ114021’ Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 3 hải lý về phía Tây Nam. Rạn san hô Đá Nam có dạng gần giống hình elip, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 2 hải lý, rộng khoảng 1,5 hải lý, khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Phía Đông Nam của Đá Nam có một hồ nhỏ, độ sâu hồ từ 3m đến 15m.
Xây nhà lâu bền trên Đá Nam, năm 1989 - ảnh tư liệu

          Nằm ở phần Bắc quần đảo Trường Sa, nơi từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua, mỗi năm đảo Đá Nam có 130 ngày chịu gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Có thể nói, Đá Nam chính là nơi hứng chịu nhiều gió bão nhất trong các đảo, đá có Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.
Đá Nam, đảo Song Tử Tây, đảo Song Tử Đông (đang bị Philippines chiếm đóng) tháng 12/2016

           Trong Chiến dịch CQ-88, ngày 16/3/1988, một phân đội của Lữ đoàn 146 đã hoàn thành nhiệm vụ đóng giữ Đá Nam. Đá Nam là bãi san hô (đảo chìm) thứ 11 được Việt Nam đóng giữ trong CQ-88, là thực thể địa lý được Việt Nam đóng giữ gần đây nhất trong 21 thực thể địa lý đang có lực lượng Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa
  

Một góc Đá Nam
Tặng quà Đá Nam, ngày 23/12/2016

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Hôm nay, ngày truyền thống đảo Sinh Tồn Đông và đảo Đá Thị

Bia chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông - ảnh Đại Điền
Đảo Sinh Tồn Đông (Đá Nhám) thuộc cụm đảo Sinh Tồn, ở vĩ độ 09054’09’’ Bắc, kinh độ 114035’51’’ Đông, cách đảo Sinh Tồn 14 hải lý về phía Đông, cách Cam Ranh 343 hải lý về phía Đông Đông Nam. Chỉ cách  đảo Sinh Tồn Đông 4 hải lý về phía Tây Bắc là đá Tư Nghĩa (Huy Ghơ) đang bị Trung Quốc chiếm đóng, cách đảo Sinh Tồn Đông 8 hải lý về phía Đông Bắc là đá Ba Đầu cũng thường xuyên bị Trung Quốc dòm ngó.   


Xây dựng công trình lâu bền trên đảo Sinh Tồn Đông, năm 1980  - ảnh tư liệu
Đảo nằm theo hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam, dài khoảng 200m, rộng 40m, cao khoảng 2,5m – 3m khi thủy triều xuống thấp nhất. Hai đầu đảo có bãi cát di chuyển theo mùa, bãi cát ở đầu Bắc đảo dài hơn bãi cát ở đầu Nam. Nền san hô quanh đảo kéo dài từ chân đảo ra khoảng 300m – 400m, nhô cao hơn mặt nước 0,5m-0,6m khi thủy triều thấp nhất.
           Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippines đưa quân chiếm đóng bãi An Nhơn (cồn san hô Lan Can, tên tiếng Anh là Lankiam Cay, Philippines gọi là Panata), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực Nam quần đảo Trường Sa. Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định, phải nhanh chóng tổ chức lực lượng đóng giữ các đảo An Bang (10/3/1978), đá Grierson (Sinh Tồn Đông, 15/3/1978), Hòn Sập (Phan Vinh, 30/3/1978) và Trường Sa Đông (Đá Giữa, 4/4/1978). Ngày 15/3/1978, tàu 679 của Hải đoàn 128 đưa lực lượng của Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân đổ bộ lên đá Grierson.

Đảo Sinh Tồn Đông năm 1995 – ảnh tư liệu

          Ngày 25/4/1978, khi ra kiểm tra đá Grierson cùng Chính ủy Quân chủng Hải quân Hoàng Trà, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đá Grierson thành đảo Sinh Tồn Đông.
           Tại đảo Sinh Tồn Đông, lần đầu tiên Trung đoàn 83 Công binh xây dựng nhà cao chân trên đảo từ các vật tư sẵn có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của đảo Sinh Tồn Đông, với khả năng của ta và tình hình khẩn trương lúc đó. Đây là kinh nghiệm rất quý báu, để sau này làm nhà cao chân trên các đảo chìm những năm 1987 – 1988.


 Trên bãi cát phía Nam đảo Sinh tồn Đông
ảnh vệ tinh đảo Sinh Tồn Đông, ngày 24/7/2016

Đá Thị trong cụm đảo Nam Yết 
                    
 Đá Thị (đá Núi Thị) nằm ở cụm đảo Nam Yết, phía Bắc quần đảo Trường Sa, vĩ độ 10 độ 24’42’’N và kinh độ 114độ 22’12’’E, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Bắc. Cách Đá Thị khoảng 8 hải lý về phía Đông Nam là bãi Én Đất, thường xuyên bị Trung Quốc nhóm ngó. Bãi san hô Đá Thị có hình hơi tròn và dẹt về hai đầu, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, là bãi đá ngầm dài 1,5-2km, rộng khoảng 1-1,3km, có độ dốc về hướng Đông Nam. Độ cao của Đá Thị không đều, khi nước thủy triều cao khoảng 1,2m toàn bộ bãi đá san hô nằm dưới mặt nước khoảng 0,6m, khi thủy triều xuống, nơi cao nhất của Đá Thị nhô lên khỏi mặt nước 0,3m.
Đá Thị năm 1991 - ảnh tư liệu

Để củng cố thế trận phòng thủ ở cụm đảo Nam Yết, ngày 15/3/1988, ngay sau ngày xảy ra sự kiện 14/3/1988, một lực lượng của Lữ đoàn 146 đã triển khai đóng giữ, bảo vệ đảo Đá Thị theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

Lính đảo Đá Thị đón dây kéo xuồng vào đảo, tháng 12/2011

Lính đảo Đá Thị mừng năm mới 2017



Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Chỉ là bóp méo lịch sử

Một số vị đòi đưa "trận đánh Gạc Ma" vào SGK lịch sử, rằng không đưa thì mất lịch sử. Quanh đi quẩn lại, các vị chỉ nhắc mỗi Gạc Ma, chỉ biết mỗi cái tên Gạc Ma. 
Điều cần đưa vào SGK là sự tranh chấp chủ quyền giữa “6 bên 5 nước” đối với Trường Sa, là làm sao để học sinh hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông, ở Trường Sa là vấn đề quốc tế đa phương, sâu xa, có sự can dự của nhiều “ông lớn” ở ngoài khu vực, chứ không phải chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ nhắc đến "hải chiến Gạc Ma", chỉ đòi đưa mỗi Gạc Ma vào SGK, thứ các vị muốn học sinh được học không phải là lịch sử, chỉ là sự bóp méo lịch sử mà thôi.

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch Chủ quyền 1988 Bài 2: Những người dũng cảm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Ngày 14/3/1988, hàng trăm viên đạn pháo đã bắn vào những con tàu, những người lính Hải quân Việt Nam ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, làm 64 người hy sinh. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh dũng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma.
Anh hùng Vũ Huy Lễ và sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-505, tháng 4/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Ngày bi tráng 14/3/1988

Đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao đều thuộc cụm đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma cách đảo Sinh Tồn 11 hải lý về phía Tây Nam, cách đá Cô Lin gần 4 hải lý và cách đá Len Đao 7 hải lý. Tàu HQ-604 và tàu HQ-505 tới cạnh đá Gạc Ma và đá Cô Lin vào chiều tối ngày 13/3/1988, cùng thời gian tàu HQ-605 cũng tới đá Len Đao. Chỉ ít phút sau, hai tàu chiến Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy tới áp sát tàu ta và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời đi... Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương
Theo sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988 quân ta bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên đá Gạc Ma. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Trung úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào tàu HQ-604 ta và quân ta đang ở trên bãi. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy bộ đội bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên, các tàu địch có số lượng và uy lực vũ khí áp đảo, tàu HQ-604 trúng nhiều đạn pháo địch, chìm xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông và 61 đồng đội hy sinh, mất tích, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở đá Cô Lin.  
  Tại đá Cô Lin, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi trước 6 giờ sáng ngày 14/3/1988. Sau khi bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bốc cháy nhưng đã trườn được hai phần ba thân lên bãi. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía đá Gạc Ma.
Liệt sĩ Phan Hữu Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Mozambik, Yemen và Nga tại Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria) năm 1982, ảnh lấy từ website của Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov 
 Tại đá Len Đao, rạng sáng ngày 14/3/1988 Trung úy Phan Hữu Doan, Phó Thuyền trưởng tàu HQ-605 chỉ huy một nhóm lên bãi cắm cờ. Khi thấy các tàu HQ-604 và HQ-505 bị bắn, Đại úy Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh đơn vị tránh xuống mặt boong, trên cabin chỉ còn Thuyền trưởng và Thượng úy, máy trưởng Uông Xuân Thọ điều khiển tàu ủi bãi Len Đao. Khoảng gần 8 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 vừa tăng tốc để ủi bãi thì bị tàu Trung Quốc bắn pháo vào thẳng cabin và buồng máy. Thuyền Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn và máy trưởng Uông Xuân Thọ kịp chạy khỏi cabin, chỉ bị thương. Lúc tàu HQ-605 bị bắn, Thuyền phó Phan Hữu Doan đang tắm sau khi được thay ca giữ cờ. “Anh Doan bị lửa từ buồng máy trùm lên và mảnh đạn găm vào mặt, chạy ra bên lan can tàu. Khi nhảy xuống biển, nhiều mảng da của anh bị lột ra”. Thượng úy Uông Xuân Thọ bồi hồi kể lại. Sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-605 đưa Trung úy Phan Hữu Doan và người bị thương nặng nhất là thợ máy Trần Văn Sáu lên phao cá nhân. Họ không tìm thấy Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển, có lẽ anh đã hy sinh trên tàu. Vài giờ sau, nhóm giữ cờ trên bãi Len Đao bơi xuồng gặp được những người nhảy từ tàu xuống. Những người bị thương nặng được đưa lên xuồng, những người khác bơi quanh, dìu xuồng về hướng đảo Sinh Tồn. Sau gần 8 giờ bơi trên biển, gần 4 giờ chiều ngày 14/3/1988 họ được bộ đội đảo Sinh Tồn bơi xuồng ra đón. Trung úy Phan Hữu Doan mất trên đường bơi về đảo Sinh Tồn. Vừa lên đảo, Thượng úy Uông Xuân Thọ cũng mê man bất tỉnh. 
Đến sáng ngày 15/3/1988, tàu HQ-605 chìm hẳn. Trước đó, chiều ngày 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Không có chuyện “giành lại Len Đao”

Với sự chỉ huy mau lẹ, tỉnh táo, kiên quyết của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, với sự đoàn kết, dũng cảm, tình đồng đội của tập thể tàu HQ-505, chủ quyền của Việt Nam đối với đá Cô Lin đã được bảo vệ vững chắc, nhiều người sĩ quan, chiến sĩ ở đá Gạc Ma đã được cứu giúp. Ngày 6/1/1989, Thiếu tá Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 8/1/1989, tập thể tàu HQ-505 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 3/12/1989, Liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông và Liệt sĩ, Thiếu tá Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
“Gần đây, có một số bài báo đưa thông tin, khoảng 1 tháng sau sự kiện 14/3/1988 Hải quân Việt Nam đã tổ chức giành lại đá Len Đao, với sự hỗ trợ của 7 máy bay SU–22. Thông tin như vậy không đúng, ta mất Len Đao khi nào mà phải giành lại”. Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Ông cho biết thêm, thời điểm đó Không quân Việt Nam chưa đủ khả năng đưa máy bay SU-22 ra tác chiến ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng Khu vực 2 Sinh Tồn (trong đó có Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) cũng phản bác thông tin sai lạc về việc “giành lại Len Đao”. Đại tá Nguyễn Văn Dân đã ở đá Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988, cùng tàu HQ-614. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác.
Đại tá Nguyễn Văn Dân cắm Quốc kỳ Việt Nam trên mỏm đá san hô cao nhất của đá Len Đao, ngày 22/4/1988 - ảnh tư liệu
Sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995 cho biết: Do Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 và Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ tổ chức làm nhà ở 2 đảo này. Ngày 28/6/1988, tàu HQ-706 từ Cô Lin đến Len Đao, ủi vào bãi cạn và tổ chức chuyển vật liệu lên bãi. Tối ngày 29/6/1988, ta tổ chức cắm cờ và làm nhà. Trong quá trình ta làm nhà, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m... Ngày 7/7/1988 ta làm xong nhà ở Len Đao, cùng thời gian này cũng làm xong nhà ở Cô Lin.  
         
Bản đồ khu vực thực hiện Chiến dịch CQ-88, chữ số màu đỏ đánh dấu các điểm Việt Nam đóng giữ trong chiến dịch này, chữ số màu đen đánh dấu điểm bị Trung Quốc chiếm đóng

Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta đóng giữ thành công Đá Thị, một bãi đá san hô rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ bãi Đá Nam ở Tây Nam đảo Song Tử Tây.
Tổng cộng trong Chiến dịch CQ-88, Việt Nam đã đóng giữ thêm 11 bãi đá (đảo chìm), nâng số thực thể địa lý Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa lên con số 21

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch Chủ quyền 1988 Bài 1: Củng cố thế đứng ở Trường Sa

Nói về ngày 14/3/1988, cần nêu đầy đủ các diễn biến ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, đặt trong tổng thể Chiến dịch Chủ quyền 1988. Đó là điều cần làm nếu thực sự kính phục, tri ân với những người đã dũng cảm, kiên quyết, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.    
 Cố Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương thăm bộ đội đang xây dựng đảo chìm Tiên Nữ, tháng 5/1988 – ảnh Nguyễn Viết Thái

Trước năm 1978, Hải quân Việt Nam đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.
Đầu năm 1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đá An Nhơn (cồn san hô Lan Can), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực Nam quần đảo Trường Sa. Trước tình hình này, Hải quân Việt Nam tổ chức đóng giữ tất cả các đảo nổi còn chưa có lực lượng nào đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, là các đảo An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978) và Trường Sa Đông (4/4/1978). Cũng trong tháng 4/1978, một phân đội được đưa ra đóng giữ bãi Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978 phân đội được rút về đất liền.
Từ cuối năm 1986, Philippines tăng cường lực lượng ở các đảo họ đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, tổ chức trinh sát từ đảo Song Tử Tây ở phía Bắc đến bãi Thuyền Chài ở phía Nam. Ngày 31/12/1986, Malaysia chiếm đóng bãi Kỳ Vân ở gần bãi Thuyền Chài, đến tháng 1/1987 họ lại chiếm đóng bãi Kiệu Ngựa, gần bãi Kỳ Vân. Do vậy, ngày 5/31987 Hải quân Việt Nam trở lại đóng giữ đá Thuyền Chài. Đây là bãi đá san hô (đảo chìm) đầu tiên ở Trường Sa được Hải quân Việt Nam đóng giữ. Tổng cộng, đến năm 1987 ta đóng giữ 10 đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa, trong đó có 9 đảo nổi.
Ca sĩ Anh Đào, Đoàn ca múa Hải Đăng (Khánh Hòa) đơm cúc áo và hát cho chiến sĩ đảo Phan Vinh, tháng 5/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Chiến dịch Chủ quyền 1988

Đến năm 1987, trong số 6 bên 5 nước tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và Đài Loan Trung Quốc, Bruney), Trung Quốc chưa hiện diện trên một thực thể địa lý nào ở Trường Sa. Theo sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), đầu năm 1987 Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 4 và một số tàu khác trinh sát quần đảo Trường Sa. Ccuối năm, Trung Quốc đưa thêm nhiều tàu chiến đến khu vực…  
Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương ra nghị quyết, nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt, lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân chủng Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng các bãi đá cạn.
Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương ra lệnh lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên sang sẵn sàng chiến đấu tăng cường, đồng thời chỉ thị chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động ra đóng giữ các bãi đá. Toàn Quân chủng Hải quân triển khai Chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ-88). Bộ tư lệnh tiền phương của Quân chủng được thiết lập ở căn cứ Cam Ranh, Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp làm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Ngày 2/12/1987, quân ta đóng giữ bãi Đá Tây. Ngày 25/1/1988, quân ta đóng giữ đá Tiên Nữ. Ngày 31/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đá Chữ Thập.
Ngày 5/2/1988, quân ta đóng giữ Đá Lát. Ngày 18/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đá Châu Viên. Ngày 19/2/1988 ta đóng giữ Đá Đông, ngày 20/2/1988 ta đóng giữ Đá Lớn.
Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đá Ga Ven. Ngày 27/2/1988, ta đóng giữ đá Tốc Tan. Ngày 28/2/1988, ta đóng giữ thêm đá Núi Le. Cũng ngày này, Trung Quốc chiếm đóng đá Tư Nghĩa (Huy Gơ).
Tại đá Chữ Thập, đá Châu Viên, Đá Lớn, Đá Đông đã có những sự đụng độ quyết liệt, căng thẳng giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc, có lúc nòng súng hai bên đã chĩa thẳng vào nhau. “Mình lên Đá Đông rồi, tàu nó cứ quần bên ngoài, chĩa pháo vào mình, trong khi tàu HQ-614 đưa quân mình lên Đá Đông chỉ là tàu vận tải 200 tấn, trang bị vũ khí chỉ có AK, B40, một khẩu 12 ly 7. Lúc đó, trên tàu có cái ống thùng dầu phụ của máy bay để đựng nước, chúng tôi làm giả như tên lửa để nó phải dè chừng”. Đại tá Nguyễn Văn Dân, năm 1988 là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy đóng giữ đảo Đá Đông kể lại.
Nhà cao chân ở bãi Thuyền Chài, tháng 5/1988 - ảnh Lý Bá Lin
Hồi đó tàu mình nhỏ bé, phương tiện liên lạc và chạy tàu đều lạc hậu. Có lần tàu chúng tôi đi tàu giả dạng tàu cá, từ đảo Trường Sa lên Đá Lớn nhưng do la bàn sai lên chạy vào gần Chữ Thập lúc 12 giờ trưa. Đến Đá Lớn rồi chạy sang Nam Yết, lúc mờ sáng thì bị bắn, nhìn lại thấy chạy lạc vào gần Ga Ven.
          Đại tá Nguyễn Văn Dân

Khẩn cấp tiến về Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin

Ngày 18/2/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân chỉ đạo: “Ta phải kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo đã có kế hoạch. Nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi, không làm như vậy sẽ không kịp ngăn chặn Trung Quốc mở rộng phạm vi chiếm đóng thêm”.
          Đúng 6 giờ sáng ngày 14/3/1988 phải đóng giữ được đá Len Đao, đó là nội dung mật lệnh ngày 11/3/1988 của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương gửi Thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh Sơn. “Tàu chúng tôi là tàu vận tải lớp Đại Khánh 400 tấn, vừa hoàn thành chuyến tiếp vận cho các điểm đảo Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ… ta mới đóng giữ, đang trên đường về Cam Ranh. Về đến Đá Đông gặp tàu quét mìn, hình như là tàu 852, chúng tôi chuyển hầu hết số nước, lương thực thực phẩm còn lại cho 852, vì nghĩ mình sắp về bờ rồi. Nhưng sau đó, được lệnh quay lại đóng giữ Len Đao”. Thượng úy Uông Xuân Thọ, nguyên máy trưởng tàu HQ-605 kể.
          Cùng ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 chở 2 khung nhà cao chân và gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, Lữ đoàn 146 và Đoàn 6 Hàng hải được lệnh rời Cam Ranh, ra Đá Lớn gặp tàu HQ-505 đang trực ở đó rồi cùng đến đóng giữ đá Gạc Ma và đá Cô Lin, trong đêm 13/3/1988 rạng ngày 14/3/1988.


Chiến sĩ Trường Sa những năm 1990 - ảnh tư liệu
Ngay từ cuối những năm 1970, chúng tôi đã đi đặt bia chủ quyền trên các bãi đá san hô, ở các bia đều có dòng chữ “thuộc nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Để có được mấy chữ đơn giản như vậy, chúng ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu.        
Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, người trực tiếp chỉ huy đóng giữ đảo An Bang, đảo Phan Vinh và đá Thuyền Chài



Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

HÔM NAY, NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẢO AN BANG

Đảo An Bang (Amboyna Cay) thuộc cụm đảo An Bang (cụm Thám Hiểm) ở vĩ độ 07052’00’’ Bắc, kinh độ 112054’30’’ Đông, là đảo ở thấp nhất về phía Nam trong số 21 đảo có Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa (mũi Cà Mau, cực Nam đất liền Việt Nam ở vĩ độ 8030’ Bắc, cao hơn đảo An Bang khoảng 0040’).
Đảo dài khoảng 220m, chỗ rộng nhất khoảng 100m, diện tích khoảng 16.000m2, nằm theo hướng Bắc – Nam trên một rạn san hô hình nấm. Bờ Tây đảo là một dải cát hẹp, bờ Nam có bãi cát xê dịch theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 7 được bồi thành bãi cát dài, từ tháng 8 bãi cát này dịch sang bờ phía Đông. Nền san hô quanh đảo rất hẹp, cách xa đảo chưa đầy 1 hải lý, đáy biển đã sâu hàng ngàn mét. Hầu như quanh năm ở đảo An Bang có sóng lớn, ngay cả trong mùa thời tiết thuận lợi nhất, việc lên đảo An Bang vẫn rất khó khăn, khó nhất trong các đảo ở quần đảo Trường Sa.   
Đảo An Bang tháng 4/1979 - ảnh tư liệu
          Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã cho xây bia chủ quyền Việt Nam ở đảo An Bang, nhưng sau đó không tổ chức đóng quân trên đảo. Đầu năm 1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đá An Nhơn (cồn san hô Lan Can, tiếng Anh là Lankiam cay, Philippines gọi là đá Panata), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực Nam quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân quyết định, phải nhanh chóng đóng giữ tất cả các đảo nổi chưa có lực lượng nào đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, là các đảo An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Trường Sa Đông.
Đảo An Bang năm 1995 - ảnh tư liệu
          Ngày 10/3/1978, một lực lượng của Trung đoàn 146 (từ ngày 12/2/1979 được nâng cấp thành Lữ đoàn 146), Vùng 4 Hải quân, do Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng chỉ huy, cùng một phân đội đặc công nước của Lữ đoàn 126, đi trên tàu HQ601 của Lữ đoàn 125 đã ra đóng giữ đảo An Bang. Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia đã cho tàu pháo vây ép đảo An Bang liên tục 11 ngày đêm. Nhưng trước thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đơn vị đóng giữ đảo An Bang, đối phương đã phải rút khỏi khu vực.

Đèn biển đảo An Bang được thiết lập năm 1995, độ cao tâm sáng 22,2m, tầm hiệu lực ánh sáng 15 hải lý – ảnh tư liệu

Ở cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo gần nhất là đảo Thuyền Chài 27 hải lý về phía Tây Nam, cách cụm nhà giàn DK1 ở Ba Kè, Vũng Mây… khoảng 70 hải lý về phía Đông, đảo An Bang như cầu nối giữa quần đảo Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Với vị trí đó, đảo An Bang có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện từ xa, ngăn chặn hoạt động của máy bay quân sự và tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

HÔM NAY, CHẴN 30 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẢO THUYỀN CHÀI

 Trong ảnh là điểm C đảo Thuyền Chài, trước kia là điểm A đảo Thuyền Chài, với chiếc pông tông đã hiện diện từ 30 năm trước. 
Sáng ngày 5/3/1987, tàu HQ 961 (Lữ đoàn 125 Hải quân) kéo pông tông số 01 lên đây. Một đơn vị của Lữ đoàn 146 đóng quân trên pông tông này cho đến khi một nhà cao chân được lắp đặt hoàn chỉnh cạnh đó, vài tháng sau. Đá Thuyền Chài là bãi đá san hô đầu tiên trong số 12 bãi đá san hô (đảo chìm) được Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.

Đảo chìm Thuyền Chài là một rạn san hô (Đá Thuyền Chài, Barque Canada Reef) thuộc cụm đảo An Bang của quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 08 010’ Bắc, kinh độ 113 018’ Đông, cách đảo An Bang khoảng 27 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về phía Đông Đông Nam. Đây là một trong những rạn san hô dài nhất ở quần đảo Trường Sa, chạy dài khoảng 17 hải lý theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. 

Đá Thuyền Chài có hình dạng một chiếc thuyền đánh cá, hai đầu nhỏ, ở giữa phình to, nơi rộng nhất khoảng 3 hải lý, bên trong có một hồ dài khoảng 6 hải lý. 
Sau điểm A (nay là C) ở Đông Bắc đảo Thuyền Chài, Hải quân Việt Nam xây dựng thêm 2 điểm đóng quân trên đảo Thuyền Chài, là Thuyền Chài B ở đầu Tây Nam của đảo và Thuyền Chài C (nay là A) ở đoạn giữa bờ Tây của đảo.

Tết đầu tiên ở đảo chìm đầu tiên