Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Trần Bá Toàn ơi, đồng đội ơi!

      
  Bức ảnh này được chụp ở núi Non Nước, Đà Nẵng giữa tháng 10/1984, người thanh niên ngồi bên trái là Trần Bá Toàn. Đây là bức ảnh chụp cuối cùng của Trung úy Trần Bá Toàn, sinh ngày 14/2/1962, mất ngày 1/2/1985 tại chiến trường Campuchia. Toàn là học sinh lớp chuyên Toán trường THPT Ngô Sĩ Liên tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay) khóa 1976 – 1979, học viên lớp Công sự khóa 14 Học viện Kỹ thuật Quân sự (10/1979 – 10/1984). Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Toàn và tôi cùng rất nhiều bạn học khác được cử sang Campuchia.
“Đường/ Nắng ngập bụi đất/ Mưa ngập bùn lầy/ Ẩn khuất những quả mìn lạnh ngắt/ Người lính tình nguyện/ Gạt bùn đất mà đi/ Gỡ mìn mà tiến/ Bao chiếc xe dính mìn bốc cháy/ Bao bàn chân bạn tôi gửi lại…” Đó là một đoạn trong bài thơ “Những nẻo đường chiến tranh” của Trần Văn Thịnh, bạn học cùng lớp đại học của tôi, cùng sang chiến trường Campuchia. Không chỉ một bàn chân hay một cánh tay, Trần Bá Toàn đã gửi lại cả sự sống của anh bên xứ Chùa Tháp. Trung úy Trần Bá Toàn mất ngày 1/2/1985, khi chưa tròn 23 tuổi, chỉ 3 tháng sau khi sang Đoàn 5501, Mặt trận 579. Khi đó, Toàn vừa được Viện quân y 21 điều trị dứt một trận sốt rét ác tính thể não, đang ở Trạm khách Mặt trận 579 tại thị xã Stung Treng chờ đi nhờ xe lên lại đơn vị ở gần ngã ba biên giới Campuchia – Thái Lan – Lào thì tái phát sốt rét, rồi mất. Toàn được đưa về an táng ở nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nhưng sau đó, đau đớn thay, mộ Toàn thất lạc. Một phần tư thế kỷ sau, đến tháng 10/2009 chúng tôi mới biết mộ bạn Trần Bá Toàn của chúng tôi đang ở một nghĩa trang bỏ hoang tại thành phố Playku, tỉnh Gia Lai. Sau nhiều rắc rối nữa, tháng 6/2011 chúng tôi và các em trai, em rể Toàn mới đưa được Toàn về với gia đình ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Viếng mộ Trần Bá Toàn ở nghĩa trang Trà Đa, Playku đêm 17/12/2010
Trần Bá Toàn đã tìm về được với gia đình, nhưng đến nay anh ấy vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Danh dự người lính của Trần Bá Toàn chưa về được cùng anh.
“Anh sang Campuchia là xung phong đi hay phải đi?” Ngày 23/10/2009, tại Đà Nẵng, một phóng viên trẻ đã hỏi tôi như thế, trên đường chở tôi đến nhà Hoàng Trung Thông, một bạn học của Toàn và tôi ở K14 Học viện Kỹ thuật Quân sự, đồng đội của chúng tôi ở chiến trường Campuchia. Hôm đó, tôi đến nhà Hoàng Trung Thông, để cùng Thông và hai đồng đội nữa lên Tây Nguyên tìm mộ Trần Bá Toàn.
Trần Bá Toàn, Hoàng Trung Thông, Trần Văn Thịnh…, chúng tôi sang chiến trường Campuchia theo điều động của Bộ Quốc phòng, không làm đơn tình nguyện, không ký tên bằng máu để xung phong, nhưng với tâm thế nhẹ nhàng của người lính, của người đàn ông biết việc mình cần làm cho Tổ quốc. “Giúp bạn là tự giúp mình”, câu đó mãi mãi đúng, để nói về hơn 10 năm những người lính Việt chiến đấu, hy sinh ở Campuchia, 1979 – 1989. Bạn Trần Bá Toàn của chúng tôi sang chiến trường Campuchia với tư thế của người lính. Trần Bá Toàn không mất trong một trận chiến, nhưng việc anh ấy mất vì bạo bệnh tái phát, khi đang chờ trở lại đơn vị là sự hy sinh.   
      Trần Bá Toàn ơi, đồng đội ơi! Đối với tao, đối với Thông mắm, đối với Nguyên khọm, đối với Nguyễn Mạnh Hùng…, mày mãi mãi là đồng đội, là người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ quốc! 



Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Phán quyết của PCA và hệ lụy với Việt Nam

        Lợi rõ ràng: Tòa Trọng tài (PCA) tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.
Chỉ có vậy!
Phán quyết về những nội dung khác, dù bất lợi cho Trung Quốc nhưng không hẳn có lợi cho Việt Nam, có nội dung hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Một số nội dung phán quyết cũng không hoàn toàn có lợi cho Philippines.   

Đối với 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, PCA tuyên rằng Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập và Gaven là các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao (đá), có lãnh hải 12 hải lý, còn Xu Bi, Tư Nghĩa, Vành Khăn là các cấu trúc chìm khi thủy triều lên (bãi, không có 12 hải lý lãnh hải, chỉ có 500m vùng an toàn. Việc PCA tuyên rằng 7 đảo nhân tạo này không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa không có nhiều ý nghĩa, vì đó là điều hiển nhiên, chiếu theo Công ước quốc tế về luật biển (Công ước). Tuy nhiên, phán quyết rằng một số trong các thực thể địa lý này là bãi lúc nổi lúc chìm sẽ phương hại đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với chúng, ảnh hưởng cả đến một số thực thể Việt Nam đang đóng giữ như đá Tốc Tan, đá Núi Le, đá Tiên Nữ (sẽ phân tích sau). Tất cả các thực thể này nằm trong khoảng cách 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của Philippines.  
Theo PCA, Trung Quốc đã: Can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong; Chủ ý cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại bãi Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, bảo vệ cho và không ngăn ngừa ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá tại các nơi này; Xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines. Do vậy PCA kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Kết luận này trái với tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
PCA kết luận rằng, tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa (Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây…) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra EEZ hoặc thềm lục địa. Phán quyết này có phần không lợi cho Việt Nam, trong trường hợp Việt Nam đòi hỏi các đảo Việt Nam đang đóng giữ như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn… phải có EEZ. Nhưng đồng thời, Trung Quốc (và Đài Loan Trung Quốc) cũng không thể dùng 200 hải lý EEZ quanh đảo Ba Bình mà họ cho là có chủ quyền để tạo nên vùng tranh chấp với EEZ và thềm lục địa tính từ đường cơ sở bờ biển Việt Nam nữa. Các vùng biển tranh chấp bị thu hẹp về phạm vi 12 hải lý quanh mỗi đảo đá tại Trường Sa.  
Có một phán quyết không hoàn toàn có lợi cho Philippines, đó là: “Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất”. Tuy nhiều phán quyết của PCA gián tiếp đưa đến suy luận rằng phần lớn khu vực quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi EEZ của Philippines, có lợi cho Philippines, nhưng phán quyết nói trên của PCA khiến Philippines không thể quy gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa thành một thể thống nhất mà họ gọi là Nhóm đảo Kalayaan, chỉ có thể đòi chủ quyền đối với từng thực thể địa lý ở đây.

Bản đồ tranh chấp tại khu vực quần đảo Trường Sa (8 điểm đỏ góc dưới bên trái ảnh là khu vực thềm lục địa Việt Nam, có các Nhà giàn DK1 trên các bãi cạn Phúc Tần, Huyền Trân, Tư Chính..., hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam)
          Cùng với việc đánh giá các phán quyết của PCA, cần quan tâm đến các lập luận của PCA để dẫn đến các phán quyết ấy.

          Khi xem xét hồ sơ lịch sử để xác định Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông trước khi Công ước có hiệu lực hay không, PCA  lưu ý rằng có chứng cứ cho thấy người đi biển và ngư dân của Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tòa quyết định là trước khi có Công ước, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Vì vậy, Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình. PCA có lập luận như vậy khi xem xét các hồ sơ của Việt Nam?
Theo Điều 121 của Công ước, các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa. PCA giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào: Năng lực khách quan của cấu trúc; Trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài, và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác. PCA thấy rằng nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ. PCA kết luận rằng việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc. Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, PCA thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ nhiều nước sử dụng, một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. PCA kết luận rằng, việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác. Theo đó, PCA kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại quần đảo Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lập luận này của PCA, trong hành trình đòi công nhận chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Xem xét quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough, PCA kết luận rằng ngư dân từ Philippines, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có quyền có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do Công ước. Tòa xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài thấy rằng Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Philippines có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi Scarborough. Với phán quyết trên của PCA, Trung Quốc có cớ lưu đội tàu tại Scarborough và nhiều bãi đá khác tại quần đảo Trường Sa, tiền đề để không chế, kiểm soát những bãi đá đó.
PCA đã khẳng định, “Toà không phán quyết các vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện. Phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA chưa giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện, phản bác toàn bộ phán quyết của PCA cho thấy vũ khí pháp lý có tác dụng không nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia. Như facebooker Tâm Minh Nguyễn nói, giá trị cao nhất của một phán quyết của PCA chỉ là làm mất uy tín của một quốc gia đã vi phạm chính những điều ước quốc tế mà họ ký kết, tạo dư luận đồng thuận của quốc tế đối với quốc gia bị xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Việt Nam có thể sử dụng kinh nghiệm của Philippines tại vụ kiện vừa qua trong đấu tranh đòi công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Dùng con đường pháp lý để đòi chủ quyền biển, đảo là cần thiết, nhưng cần hết sức thận trọng. Cửa thắng không chắc chắn, nhưng có thắng cũng khó giành lại chủ quyền thực tế, nếu trong tay chỉ có những phán quyết như của PCA. 

GHI CHÚ:
Tuyên bố ngày 12/51977 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VIệt Nam:
1. Lãnh hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam tính từ ngấn nước thuỷ triều thấp nhất trở ra.
...
5. Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, và 4 của Tuyên bố này.
Theo Tuyên bố này, các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. http://bienphongvietnam.vn/van-ban-phap-luat/van-kien-phap-ly-dieu-uoc-quoc-te/178-vankien02.html

Tuyên bố ngày 12/111982 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam tiếp tục nêu quan điểm của Tuyên bố ngày 12/5/1977: 4. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 5. Vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Luật Biển Việt Nam, được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, đã có sự điều chỉnh, không còn khẳng định mọi đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nhưng Luật Biển Việt Nam cũng không loại trừ việc một số đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Điều 20. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo: 1. Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; 2. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Tóm tắt THÔNG CÁO BÁO CHÍ của Toà Trọng tài Biển Đông - PCA Biển Đông

      La Hay, 12 tháng 7 năm 2016
Toà Trọng tài ban hành phán quyết
Phán quyết được Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (sau đây gọi là “Công ước”) trong vụ kiện giữa Cộng hoà Philippines và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hoàn toàn nhất trí thông qua và ban hành.
Vụ kiện trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm Công ước. Phù hợp các giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà Trọng tài đã nhấn mạnh Toà không phán quyết các vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện.
Theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm.
          TÓM TẮT PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VỀ NỘI DUNG CÁC ĐỆ TRÌNH CỦA PHILIPPINES
1. Thông tin cơ bản về Vụ kiện Trọng tài
Vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến đơn kiện của Philippines đề nghị phán quyết về bốn vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ nhất, Philippines muốn Tòa phán quyết về nguồn luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên Biển Đông và hiệu lực của Công ước đối với yêu sách về quyền lịch sử bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Thứ hai, Philippines muốn Tòa phán quyết, liệu một số cấu trúc mà cả Trung Quốc và Philippines cùng yêu sách được xác định chính xác là đảo, đảo đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm theo Công ước. Quy chế pháp lý của các cấu trúc này theo Công ước quyết định vùng biển mà những cấu trúc đó có thể có được. Thứ ba, Philippines muốn Tòa phán quyết liệu một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có vi phạm Công ước không khi can thiệp vào việc Philippines thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do phù hợp với Công ước, cũng như Trung Quốc đã làm tổn hại đến môi trường biển thông qua các hoạt động đánh cá và xây dựng. Cuối cùng, Philippines muốn Tòa phán quyết về một số hoạt động do Trung Quốc tiến hành, cụ thể là việc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa kể từ khi vụ kiện bắt đầu đến nay đã làm mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Chính phủ Trung Quốc theo quan điểm không chấp nhận và không tham gia vào trình tự tố tụng của vụ kiện.
2. Lập trường của các bên
Philippines đã đưa ra 15 đệ trình trong vụ kiện, yêu cầu Tòa xác định:
1)                Phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng trên Biển Đông, cũng giống như của Philippines, không thể vượt ra ngoài những gì được Công ước cho phép;
2)                Các yêu sách của Trung Quốc về các quyền chủ quyền và quyền tài phán, và đối với “các quyền lịch sử”, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong gọi là “đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong chừng mực mà chúng vượt quá các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo Công ước;
3)                Bãi Scarborough không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng;
4)                Bãi Vành Khăn (Mischief Reef), bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đá Xu-bi (Subi Reef) đều là các bãi cạn nửa nổi, nửa chìm và chúng không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, đồng thời không phải là các cấu trúc có thể bị thụ đắc thông qua chiếm đóng hay thông qua cách khác;
5)                Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;
6)                Đá Ga-ven (Gaven Reef) và đá Ken-nan (McKennan Reef) (bao gồm cả đá Tư Nghĩa (Hughes Reef)) là các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, nhưng ngấn nước thấp nhất của chúng có thể được dùng để lần lượt xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sin Cowe);
7)                Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa;
8)                Trung Quốc đã can thiệp một cách bất hợp pháp tới việc Philippines hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của mình liên quan đến các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;
9)                Trung Quốc đã hành động một cách bất hợp pháp khi không ngăn cản công dân và tàu thuyền của mình khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines;
10)           Trung Quốc đã ngăn cản một cách bất hợp pháp việc ngư dân Philippines theo đuổi sinh kế bằng việc can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi Scarborough;
11)           Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây;
12)           Việc Trung Quốc chiếm đóng và tiến hành các hoạt động xây dựng tại bãi Vành Khăn: (a) vi phạm các điều khoản của Công ước liên quan đến các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình; (b) vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo Công ước; (c) cấu thành những hành vi bất hợp pháp trong việc cố tình chiếm đoạt theo cách vi phạm Công ước;
13)           Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ theo Công ước trong việc sử dụng các tàu chấp pháp một cách nguy hiểm, gây ra nguy cơ nghiêm trọng về va chạm với tàu Philippines hoạt động xung quanh bãi Scarborough;
14)           Từ khi vụ kiện trọng tài này được bắt đầu vào tháng 1/2013, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm và mở rộng các tranh chấp thông qua các việc sau: (a) can thiệp vào các quyền hàng hải của Philippines trong vùng nước tại và tiếp giáp bãi Cỏ Mây; (b) ngăn cản việc luân chuyển và tiếp tế cho lực lượng của Philippines đồn trú tại bãi Cỏ Mây; (c) đe dọa đến sức khỏe và đời sống của lực lượng của Philippines đồn trú tại bãi Cỏ Mây;
15)           Trung Quốc phải chấm dứt có thêm các yêu sách và hành động phi pháp.
Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện này, nhưng tuyên bố lập trường của mình là “Tòa trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ kiện này”. Trong Tài liệu lập trường của mình, Trung Quốc đã đưa ra các lập luận sau:
- Bản chất của vụ kiện là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc biển ở Biển Đông, vấn đề này nằm ngoài phạm vi của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước;
- Trung Quốc và Philippines đã thống nhất, thông qua các thỏa thuận song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua thương lượng. Việc Philippines đơn phương khơi kiện tòa trọng tài này là vi phạm nghĩa vụ theo quy định của luật pháp quốc tế;
- Ngay cả khi giả định rằng nội dung của vụ kiện liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các nội dung này là một phần không tách rời của quá trình phân định biển giữa hai quốc gia, như vậy sẽ rơi vào trường hợp tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc phù hợp với Công ước, trong đó loại trừ các tranh chấp về phân định biển khỏi cơ chế trọng tài bắt buộc hay các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc khác;
3. Phán quyết của Tòa về Phạm vi thẩm quyền
Để có bức tranh hoàn chỉnh, các quyết định của Tòa về thẩm quyền quyết được tóm tắt chung ở đây.
a. Các vấn đề ban đầu
Tòa nhận thấy rằng cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên Công ước và Công ước không cho phép một Quốc gia tự loại trừ mình khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước. Tòa cho rằng việc Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện không tước bỏ thẩm quyền của Tòa và Tòa đã được thành lập đúng với  các điều khoản của Phụ lục VII của Công ước, trong đó bao gồm một thủ tục thành lập tòa ngay cả trong trường hợp một bên vắng mặt.
b. Sự tồn tại của một Tranh chấp Liên quan đến Giải thích và Áp dụng Công ước
Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các Bên thực ra là về chủ quyền lãnh thổ và do đó không phải là một vấn đề liên quan đến Công ước. Tòa chấp nhận rằng tồn tại một tranh chấp giữa các Bên liên quan đến chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, nhưng Tòa cho rằng các vấn đề được Philippines đệ trình để giải quyết bằng trọng tài lại không liên quan đến chủ quyền. Tòa cho rằng không cần thiết phải ngầm quyết định về chủ quyền để có thể xem xét các Đệ trình của Philippines và rằng việc xem xét đó sẽ không hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của bất kỳ Bên nào đối với các đảo ở Biển Đông. 
Cuối cùng, Tòa quyết định rằng các Đệ trình của Philippines đều phản ánh một tranh chấp liên quan đến Công ước.
c. Sự tham gia của Bên thứ ba không thể thiếu
Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã xem xét việc các Quốc gia khác cũng có yêu sách đối với các đảo ở Biển Đông không tham gia vào vụ kiện trọng tài có cản trở thẩm quyền của Tòa hay không. Tòa thấy rằng quyền của các Quốc gia khác sẽ không cấu thành “nội dung chính của phán quyết” – tiêu chuẩn để bên thứ ba có thể được coi là không thể thiếu. Tòa cũng lưu ý thêm rằng vào tháng 12/2014, Việt Nam đã đệ trình một tuyên bố lên Tòa, trong đó Việt Nam tuyên bố rằng “không nghi ngờ gì Tòa có thẩm quyền trong vụ kiện này”. Tòa cũng lưu ý rằng Việt Nam, Malaysia và Indonesia đã dự các phiên tòa về thẩm quyền với tư cách quan sát viên, và không quốc gia nào nêu lên lập luận rằng sự tham gia của mình là không thể thiếu.
d. Điều kiện tiên quyết đối với thẩm quyền
Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002 ngăn Philippines khởi kiện trọng tài. Tòa cho rằng Tuyên bố trên là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc về pháp lý, không định ra một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ràng buộc, không loại trừ các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, và do đó không hạn chế thẩm quyền của Tòa theo Điều 281 hay 282.
e. Ngoại lệ và giới hạn của thẩm quyền
Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét liệu Đệ trình của Philippines liên quan đến các quyền lịch sử của Trung Quốc và ‘đường chín đoạn’ có bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ khỏi thẩm quyền các tranh chấp liên quan đến ‘danh nghĩa lịch sử’ theo Điều 298 của Công ước hay không. Tòa đã rà soát nghĩa của cụm từ ‘danh nghĩa lịch sử’ trong luật biển và quyết định là thuật ngữ này dẫn chiếu đến những yêu sách về chủ quyền lịch sử đối với các vịnh và vùng biển gần bờ. Sau khi xem xét các yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, Tòa kết luận rằng Trung Quốc đã yêu sách quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong ‘đường chín đoạn’, nhưng không yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông. Do đó, Tòa kết luận rằng Tòa có thẩm quyền để xem xét các nội dung kiện của Philippines liên quan đến quyền lịch sử và về vấn đề ‘đường chín đoạn’ giữa Philippines và Trung Quốc.
Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa cũng xem xét liệu các Đệ trình của Philippines có bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ khỏi thẩm quyền theo Điều 298 những tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới biển. Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét các bằng chứng về các bãi và đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và kết luận rằng không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Do Trung Quốc không có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở quần đảo Trường Sa, Tòa quyết định là các đệ trình của Philippines không phụ thuộc vào việc phân định trước ranh giới.
4. Phán quyết của Tòa liên quan đến Nội dung khởi kiện thực chất của Philippines
a. ‘Đường chín đoạn’ và Yêu sách Quyền lịch sử của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc Biển Đông
Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước.
Tòa cũng xem xét hồ sơ lịch sử để xác định liệu Trung Quốc có thật là có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông trước khi Công ước có hiệu lực hay không. Tòa lưu ý rằng có chứng cứ cho thấy người đi biển và ngư dân của Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông, mặc dù Tòa nhấn mạnh rằng Tòa không có thẩm quyền để xác định chủ quyền đối với những đảo đó. Tuy nhiên, Tòa quyết định là trước khi có Công ước, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ Quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Vì vậy, Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.
Do đó, Tòa kết luận rằng, giữa Philippines và Trung Quốc, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.
b. Quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông
Theo Điều 13 và 121 của Công ước, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Tòa Trọng tài ghi nhận rằng nhiều rặng san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây và nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó. Tòa Trọng tài đã chỉ định một chuyên gia thủy văn học để hỗ trợ Tòa trong việc đánh giá các bằng chứng kỹ thuật của Philippines và dựa chủ yếu vào các tài liệu lưu trữ và các đánh giá thủy văn trước đây để đánh giá các cấu trúc này. Tòa Trọng tài nhất trí với Philippines rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Xu Bi, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài không nhất trí với Phi-líp-pin về quy chế của Ga Ven (phía Bắc) và Ken Nan và kết luận rằng cả hai đều là cấu trúc nổi.
Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Theo Điều 121 của Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tòa Trọng tài thấy rằng quy định này liên hệ chặt chẽ với việc mở rộng quyền tài phán của Quốc gia ven biển với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn có thể tạo ra các vùng biển lớn, mà điều này xâm phạm vào vùng biển của các lãnh thổ có người ở hoặc vùng biển quốc tế và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.
Tòa Trọng tài thấy rằng nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia ven biển kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ. Tòa Trọng tài thấy rằng sự hiện diện thời nay phụ thuộc vào các nguồn lực và hỗ trợ bên ngoài và thấy rằng nhiều cấu trúc đã bị biến đổi để nâng cao khả năng sinh sống của con người, kể cả thông qua cải tạo đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng như các nhà máy xử lý nước mặn. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc. Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác. Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.
c. Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
Sau khi kết luận Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm, tạo thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines và không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào Trung Quốc có thể có, Tòa Trọng tài kết luận rằng Công ước đã rõ ràng trong việc trao quyền chủ quyền cho Philippines đối với các khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tòa Trọng tài xác định, trên thực tế, Trung Quốc đã (a) can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong; (b) chủ ý cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và (c) bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, và (d) xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines. Do vậy Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.
Tiếp theo Tòa Trọng tài xem xét quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough và kết luận rằng ngư dân từ Philippines, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có quyền có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do Công ước. Dù Tòa Trọng tài nhấn mạnh rằng Tòa không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Tòa xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài thấy rằng Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Philippines có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi Scarborough.
Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.
d. Làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các Bên
Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét liệu các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn gần đây và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại 7 cấu trúc tại Trường Sa từ khi bắt đầu thủ tục trọng tài có làm gia tăng tranh chấp giữa các Bên. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng các bên tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp có nghĩa vụ kiềm chế việc làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng một tranh chấp hoặc các tranh chấp về các vấn đề đang được thụ lý. Tòa Trọng tài thấy rằng Trung Quốc đã (a) xây dựng một đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; (b) gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hộ và (c) phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các Bên trong khi chờ quá trình xét xử.
e. Hành vi tương lai của các Bên
Cuối cùng, Tòa Trọng tài xem xét đề nghị của Philippines về việc đưa ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo Công ước. Về vấn đề này, Tòa Trọng tài thấy rằng cả Philippines và Trung Quốc đều đã nhiều lần thừa nhận Công ước và các nghĩa vụ chung về thiện chí trong xác định và điều chỉnh các hành vi của mình. Tòa Trọng tài xét rằng cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Philippines trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia, mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền của nước mình theo Công ước đối với các vùng nước thuộc Biển Đông. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng trong luật pháp quốc tế có nguyên tắc cơ bản là “không thiện chí” không thể tự suy diễn và thấy rằng Điều 11 của Phụ lục VII đã quy định “phán quyết…sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Vì vậy, Tòa Trọng tài thấy không cần thiết phải đưa ra tuyên bố nào nữa.

Toàn văn phán quyết:
 Thông cáo báo chí của PCA:



Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Tên đảo ở Trường Sa: Kỳ 2 – Tên đảo phải là tên Việt Nam

Việt Nam tuyên bố có chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng hiện nay tên gọi bằng tiếng Việt của nhiều thực thể địa lý ở Trường Sa không có nghĩa trong tiếng Việt, một số trường hợp gần như là tiếng Anh.
“Trên đảo có cây cối xanh tốt, có nhiều chim sơn ca sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca”. Có khá nhiều bài báo, kể cả một số tài liệu tuyên truyền biển đảo lý giải như vậy về tên đảo Sơn Ca. Thật là hài hước. Đảo có diện tích tự nhiên chỉ khoảng 5ha, rất ít cây xanh (bây giờ có nhiều rồi, do bộ đội ta trồng), cách đất liền 330 hải lý, làm gì có con chim sơn ca nào ra sống ở đó. Thực ra, Sơn Ca có nguồn gốc từ tên đảo bằng tiếng Anh – Sand Cay. “Khi xưa, biển Đông quanh năm nổi sóng gió. Trời thương những con tàu bé nhỏ nên sai một nàng tiên bay đến giữa biển. Có nàng tiên ở đó, giông gió cũng thôi thét gào, trời biển cũng hiền hòa hơn. Nơi nàng tiên bay xuống, hình thành một bãi cạn, người ta gọi là bãi Tiên Nữ”. Đó là một cách lý giải về tên gọi đá Tiên Nữ, tương tự cách lý giải tên gọi đảo Sơn Ca. Nhưng, cũng như Sơn Ca, Tiên Nữ có nguồn gốc từ tiếng Anh - Tennent. Tương tự, đảo Sinh Tồn – Sin Cow, đảo An Bang – Amboyna… Tên của một số thực thể địa lý khác ở quần đảo Trường Sa cũng có nguồn gốc từ tiếng Anh, nhưng không theo cách biến âm như trên, mà dịch nghĩa, như đá Chữ Thập - Fiery Cross, đảo Bình Nguyên – Flat…
          Dù biến âm hay dịch nghĩa từ tên tiếng Anh, những tên đảo trên đều là những tên gọi hay theo tiếng Việt, hay không kém những tên gọi không có nguồn gốc từ tiếng Anh, như đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đá Thuyền Chài, bãi Bàn Than, bãi Ba Đầu…
Bình minh trên bãi đá Cô Lin
Nhưng hiện nay, tên tiếng Việt của một số thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa vẫn hầu như không khác tên tiếng Anh. Chẳng hạn, đá Cô Lin – Collins Reef, đá Len Đao – Lansdowne Reef, đá Xubi – Subi Reef, đá Gaven – Gaven Reef… Có những cái tên không từ nguồn gốc tiếng Anh, nhưng rất không hay, như Tốc Tan – Alison Reef, Gạc Ma - Johnson South Reef … Tôi cho rằng, cần phải đổi những cái tên này, để tên gọi của mọi thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, dù có nguồn gốc từ đâu cũng phải có nghĩa trong tiếng Việt, khi nói lên phải có âm thanh tiếng Việt, phải là tên Việt Nam.
Chúng ta đã có những lần đổi tên đảo như thế, chẳng hạn với đảo Sinh Tồn Đông. Đảo Sinh Tồn Đông có tên tiếng Anh là Grierson Reef, trước kia thường được gọi là đá Grisan. Ngày 15/3/1978, tàu 679 của Hải đoàn 128 đưa lực lượng của Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân đổ bộ lên đá Grisan. Ngày 25/4/1978, khi ra kiểm tra đá Grisan, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đá Grisan thành đảo Sinh Tồn Đông.
Đặc biệt, tên gọi của ba bãi đá ở nơi diễn ra sự kiện ngày 14/3/1988 là đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin rất cần được thay đổi. Như đã nêu trên, đá Len Đao và đá Cô Lin là những cái tên gần như tên tiếng Anh, xa lạ với người Việt Nam. Tôi chưa rõ xuất xứ của tên gọi Gạc Ma, nhưng đó là một cái tên tối nghĩa – nếu không muốn nói là vô nghĩa, và rất xấu. Theo tôi, đá Gạc Ma nên được đổi tên thành đá Trần Văn Phương hoặc Văn Phương, mang tên của Trung úy, Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã chỉ huy đơn vị dũng cảm bảo vệ đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. Chúng ta đã từng mang tên Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng của tàu 235 trong đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển để đổi tên cho đảo Hòn Sập (Pearson Reef) thành đảo Phan Vinh, sau khi đóng giữ Hòn Sập ngày 30/3/1978. Việc đổi tên Văn Phương cho đảo Gạc Ma chính là một cách để tưởng nhớ, để tri ân Trần Văn Phương và các Anh hùng, liệt sĩ đã xả thân hy sinh vì Tổ quốc ngày 14/3/1988, là một cách nhắc nhớ về lịch sử.
    

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Tên đảo ở Trường Sa: Kỳ 1 – Viết sao cho đúng?

Trong nhiều bài báo và cả một số văn bản về Trường Sa, đảo Trường Sa thường được viết là đảo Trường Sa Lớn. Đó là điều rất không nên. 
Tên chính thức của đảo là Trường Sa.
Ngày 29/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Trường Sa, không giải phóng đảo Trường Sa lớn.

Cách gọi đảo Trường Sa lớn có từ khi nào? Chắc chắn có từ sau ngày 4/4/1978, khi quân ta ra đóng giữ đảo Đá Giữa. Sau đó, đảo Đá Giữa được chính thức đổi tên thành đảo Trường Sa Đông. Từ khi có Trường Sa Đông, bắt đầu xuất hiện việc gọi đảo Trường Sa là đảo Trường Sa lớn. Theo anh em hải quân, gọi như vậy là để tránh nhầm lẫn giữa hai đảo, Trường Sa lớn và Trường Sa Đông. Tuy nhiên, ta vẫn gọi đảo Sinh Tồn (không thêm “lớn”), có sợ nhầm lẫn với đảo Sinh Tồn Đông đâu.
Vậy nên viết là đảo Trường Sa hay là đảo Trường Sa Lớn? Có nhiều ý kiến rằng, gọi cách nào cũng được. Lại có những bạn nói, phải gọi là Trường Sa Lớn. Việc tên đảo lúc thì được viết là Trường Sa, lúc thì được viết là Trường Sa Lớn trên báo chí, văn bản chính thức làm nhiễu thông tin, đến mức có người đã nghĩ rằng có ba đảo Trường Sa: đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Đông và đảo Trường Sa Lớn.

Cá nhân tôi, tôi sẽ luôn luôn viết và nói, tên đảo là TRƯỜNG SA. Vì đó là tên chính thức, được gắn, được khắc trang trọng trên bia chủ quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở giữa hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tọa độ 8 độ 38 phút vĩ độ Bắc, 111 độ 56 phút kinh độ Đông, trung tâm của thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trường Sa lớn không phải địa danh, chỉ là cách gọi không chính thức, nên nếu phải dẫn đúng lời ai đó, chẳng hạn NSƯT Khánh Hòa Dương, tôi sẽ viết: “Trường Sa lớn kia rồi, ca sĩ Khánh Hòa reo lên phấn khích khi thấy đảo Trường Sa đã hiện lên phía mũi tàu”. Tức là, chữ “lớn” không viết hoa. 

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Không có chuyện “giành lại Len Đao”

Không có chuyện “chiếm lại Len Đao”, không có chuyện “không quân Việt Nam xuất kích giành lại Len Đao”, bởi vì từ khi cắm cờ lên đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988, quân ta chưa bao giờ để mất nơi này.

Ngày 11/3/1988, tàu HQ-605 hoàn thành chuyến tiếp vận cho các đảo chìm vừa được quân ta đóng giữ là Tốc Tan, Núi Le…, trên đường về Cam Ranh đã đến đảo Đá Đông. Nước ngọt, lương thực thực phẩm đã chuyển hết cho các đảo, tàu chỉ giữ lại lượng rất ít, đủ dùng cho mấy ngày hành quân về bờ. Bất ngờ, Đại úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng tàu HQ-605 nhận được mật lệnh của Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, phải cấp tốc đóng giữ đảo Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Tàu HQ-605 đã khẩn trương thực hiện mệnh lệnh, cắm được quốc kỳ Việt Nam trên bãi đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Mặc dù sau đó tàu HQ-605 bị các tàu Trung Quốc bắn cháy rồi chìm, trung úy thuyền phó Phan Hữu Doan và trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, sĩ quan chiến sĩ của tàu vẫn bình tĩnh, cùng nhau đưa thương binh, liệt sĩ về đảo Sinh Tồn an toàn…
Gần đây có một số bài báo đưa thông tin, khoảng 1 tháng sau sự kiện 14/3/1988 hải quân Việt Nam đã tổ chức giành lại đá Len Đao. Có báo còn giật tít “Không quân Việt Nam xuất kích giành lại đảo Len Đao”, theo đó 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12ly7, DKZ… đổ lên Len Đao trong đêm. Sáng ra, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp, nhưng quân ta kiên quyết bám đảo. Tình hình đang căng thẳng thì trên trời xuất hiện 7 máy bay SU–22 của Việt Nam bay từ đất liền ra, tàu Trung Quốc bỏ chạy… Thế là ta chiếm lại được đá Len Đao.  
Sự thực không phải như vậy.
Đại tá Nguyễn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng khu vực II Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin), người đã có mặt ở Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988 trên tàu HQ-614 khẳng định, không có chuyện 7 chiếc SU-22 cùng lúc xuất hiện để hỗ trợ việc đóng giữ đá Len Đao. Chỉ có vài lần máy bay vận tải AN-26 bay ra khu vực này trong các ngày 15/3/1988, 16/3/1988. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác, cho đến khi ta bí mật tổ chức đưa vật liệu lên Len Đao, nhanh chóng làm nhà cao chân.


Trung tá Nguyễn Văn Dân cắm cờ ở đá Len Đao, ngày 22/4/1988
Theo sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995: Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đồng chí Thư (Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4) và đồng chí Phạm Công Phán (Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 – tức là đoàn Trường Sa) được giao nhiệm vụ tổ chức thi công làm nhà ở 2 đảo này. Tàu HQ-462 từ Cô Lin đến Len Đao ngày 28/6/1988, ủi vào bãi cạn đúng quy định. Sáng ngày 28/6, đồng chí Thư lên Len Đao kiểm tra vị trí làm nhà. Trong quá trình làm, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m. Ta dùng loa yêu cầu không được gây khó dễ cho ta, sau đó chúng bỏ đi. Ngày 7/7 ta làm xong nhà ở Len Đao, ngày 9/7 bàn giao cho lực lượng bảo vệ đảo. Đến ngày 10/7 làm xong nhà ở Cô Lin…


Như vậy, hôm nay vừa đúng 28 năm, ngày chiếc nhà cao chân đầu tiên ở đảo chìm Len Đao được hoàn thành xây dựng.    

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Đừng té nước theo mưa!

Nếu thực sự có thái độ làm việc khoa học, thực sự vì môi trường, các nhà khoa học đừng té nước theo mưa, đừng đổ riệt cho duy nhất một thủ phạm, cần xác định: san hô ở ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị chết từ khi nào, bao nhiêu diện tích mới chết vài tháng nay, bao nhiêu diện tích đã chết từ trước, bị chết do các nguyên nhân nào. Không chỉ ra được mọi thủ phạm làm san hô chết, để từ đó có biện pháp ngăn ngừa thích hợp, san hô sẽ tiếp tục chết, hàng trăm năm nữa cũng không phục hồi được, đừng nói là vài chục năm nữa.  
Theo tài liệu của Viện Hải dương học, độ phủ của san hô sống ở vịnh Nha Trang năm 1994 là 52%, hiện nay chỉ còn 20%. Các mối đe dọa sự sống của rạn san hô là: Khai thác quá mức sinh vật rạn bằng mọi công cụ, biện pháp; Đánh bắt hủy diệt (bằng chất nổ, bằng hợp chất cyanua và một số chất độc khác); Lắng đọng trầm tích; Ưu dưỡng của nước biển dẫn đến hiện trượng tảo nở hoa hoặc bùng nổ độ phủ của rong biển trên rạn san hô; Phá hủy rạn do thả neo hay rác thải.

Vài năm gần đây, san hô tại Phú Quốc, Côn Đảo cũng bị chết khá nhiều. Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, một lượng lớn san hô tại đây đang bị tẩy trắng và chết dần trên diện rộng khoảng từ 600 đến 800 ha, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiệt độ nước biển đang nóng dần lên hơn mức bình thường, làm giảm lượng oxy trong nước.