Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Một ngày hơi bình thường...

Trò chuyện hơn chục phút, tôi chào để đi thì chị Hiền vào nhà lấy ra chai nước nho. “Không dám nói ngon nhưng nhà em làm đấy”. Nghe chị Hiền nói vậy, tôi hiểu rằng từ chối món quà này là cách ứng xử rất tệ.
         
Giữa trưa, chụp ảnh xong những giếng khoan, những hố sâu, những con cừu gầy ngẳng, ngơ ngác giữa lòng hồ Ông Kinh trắng xóa màu cát, tôi định về thì gặp chị Hiền xuống đóng cầu dao bơm nước. “Nhà tôi có 7 sào nho, năm nay không có nước tưới phải bỏ hơn 4 sào, chỉ còn 2,8 sào”. Chị Hiền kể, trong khi dẫn tôi đi xem vườn nho. Năm 2015 hạn nặng, anh Dương Phá Thiên, chồng chị Hiền đã mang thế chấp giấy tờ đất, vay từ Ngân hàng Agribank 150 triệu đồng đầu tư hệ thống giếng khoan, máy bơm nước, hệ thống tưới phun. Khoan đến 5 giếng mà không trúng mạch nước. Không có nước, những giàn nho nhà chị Hiền tàn lụi dần. May có hàng xóm khoan trúng mạch, san sẻ cho quyền sử dụng giếng khoan, vợ chồng chị giữ được 2,8 sào nho. Trước kia hai vợ chồng làm không hết việc, nay phải bỏ đất không, anh Phá Thiên phải đi làm thuê, để vợ con trông vườn và đàn cừu. Đàn cừu nhà họ đầu năm 2015 có 23 con, do thiếu nước, thiếu cỏ ăn nên chết dần, nay chỉ còn 14 con. “Không còn tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng, chúng tôi tính vay nóng 15 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng để khoan giếng tìm nước một lần nữa, may ra trúng mạch. Không có nước, không giữ được vườn nho thì sạt nghiệp chắc luôn”. Chị Hiền nói.

Dù điêu đứng vì hạn hán, chị Hiền vẫn giữ nụ cười hồn hậu

Chạy xe về chợ Mỹ Tường ở gần UBND xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận), tìm mãi không thấy một quán ăn. Ghé vào một quán cà phê để viết bài gửi cho TPO. Đói quá, tay mổ cò càng lập bập,.hỏi anh chủ quán có mì gói không. Hai phút sau anh mang ra tô mì nghi ngút khói. Anh kể, gia đình cũng có mấy sào nho, cũng phải khoan giếng sâu gần 50m ở lòng hồ Ông Kinh để lấy nước… Tính tiền, anh bảo 12 nghìn đồng ly cà phê sữa, không tính tiền tô mì.


Uống ly nước nho, nhớ nỗi vất vả, những giọt mồ hôi mặn chát của những người làm ra thứ nước ngọt thanh, vị chua nhẹ này 
Chạy xe theo đường ven biển Ninh Thuận, 4 giờ rưỡi chiều về đến xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh. Phải hơn 6 giờ mới về đến nhà, lúc đó mới viết bài cho báo giấy chắc không kịp. Ghé vào quá cà phê ven đường. Quán khang trang, mát mẻ, nhưng gọi mãi không thấy chủ quán. Cứ ngồi vào bàn, cắm điện, mở máy tính… Khoảng nửa giờ sau cô chủ quán xuất hiện. Chưa kịp xin lỗi cô chủ thì cô cười xin lỗi trước, nói bận việc ở vườn sau nhà. Lát sau, cô bỏ quán cho mấy người khách, đi đón con học tiểu học. Xẩm tối anh chồng về, nấu cơm giúp vợ…
Một ngày hơi bình thường.


Khoan giếng tìm nước giữa lòng hồ



Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Kiểu làm sách nhặt nhạnh, chắp vá

        Vài tuần nay, dịp kỷ niệm sự kiện 14/3/1988, dư luận lại ồn ào về cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Cty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News (Nhà sách Trí Việt), nơi biên soạn cuốn sách than thở, tại sao cuốn sách đầy tâm huyết của nhiều người, nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước mà long đong hai năm nay, bị hàng chục nhà xuất bản từ chối xuất bản. Trả lời báo Tiền Phong, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin Truyền thông nói, Gạc Ma-Vòng tròn bất tử là cuốn sách tập hợp một số bài báo, cần thẩm định kỹ. Tác phẩm kiểu như Gạc Ma - Vòng tròn bất tử buộc phải chính xác không sai một chữ, để phục vụ lịch sử, phục vụ văn hóa, phục vụ việc đấu tranh đòi chủ quyền. Đề tài càng hay, càng nóng bỏng càng phải cẩn thận. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, một trong những nơi chưa đồng ý xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, tên sách quá hay, đề tài quá hay nhưng nội dung quá yếu. NXB Trẻ đã gắng biên tập để “vớt” bản thảo lên, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa rõ về các vấn đề tác quyền của các bài báo được sử dụng lại. NXB Công an Nhân dân đã đăng ký xuất bản cuốn sách Gạc Ma-Vòng tròn bất tử rồi lại rút. Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Công an Nhân dân, cuốn sách tập hợp các bài viết trên mạng không rõ nguồn, rất nhiều bài của mạng nước ngoài, khó kiểm chứng, khó xác định bản quyền.
          Như vậy, ngoài vấn đề sự xác thực của thông tin, cuốn sách  Gạc Ma - Vòng tròn bất tử còn có vấn đề về bản quyền. Theo tôi được biết, ít nhất có hai cuốn sách về Gạc Ma, về Trường Sa đã được xuất bản có vi phạm về bản quyền, nội dung cũng chưa chắc đã chuẩn.
Tháng 8/2015, tôi được đồng nghiệp báo rằng, cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng (qua tác phẩm báo chí từ Thủ đô Hà Nội) do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và NXB Hà Nội tổ chức biên soạn có sử dụng một bài của tôi, đã đăng trên báo Tiền Phong. Cùng với bài báo đó, cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng (qua tác phẩm báo chí từ Thủ đô Hà Nội) còn sử dụng 45 bài báo khác, đã đăng trên các tờ báo không thuộc Hà Nội. Đồng nghiệp báo tin thì biết vậy, chứ không ai gửi sách biếu. Vừa rồi, tôi được mấy người bạn cho biết, ở nhà sách Tân Tiến, Nha Trang có cuốn sách Cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma, do NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản, sử dụng hai bài của tôi đã đăng trên báo Tiền Phong. Đến nhà sách, thấy vẫn còn cuốn sách do NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản từ quý II/2014, dày 456 trang. Theo lời nói đầu, “đây là tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần phát huy lòng yêu nước, ý thức bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Tuy nhiên, cũng như cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng, cuốn sách này sử dụng rất nhiều bài đã đăng trên các báo, thậm chí có bài từ “nguồn internet”. “Em tưởng cuốn sách có nhiều thông tin bổ ích nên mới mua, ai dè mua phải hàng độ”. Một người bạn của tôi nói. Bên cạnh chất lượng nội dung không cao, các hình ảnh trong sách được in nhòe nhoẹt, tệ hơn cả các bản phô tô, hoàn toàn không cung cấp được thông tin. Có những bức ảnh rất tệ, như bức ảnh Anh hùng, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các đồng đội trên tàu HQ-505, con tàu đã ủi bãi, giữ được đảo Cô Lin ngày 14/3/1988.
Xem bức ảnh này trong cuốn sách Cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma, người đọc không thấy sự tôn vinh những người lính anh hùng như NXB Văn hóa - Thông tin nói, mà thấy như có sự xúc phạm họ  

Không rõ bản quyền, không trả tiền cho các tác giả có bài trong sách, cuốn sách rất tệ này ghi giá bán là 335 nghìn đồng. Thật ngẫu nhiên, trên kệ sách, ngay bên cạnh cuốn sách này là cuốn sách Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, gần 650 trang, ngồn ngộn thông tin, ghi giá bán chỉ là 180 nghìn đồng
“Có những kiểu làm sách nguy hiểm, nhặt nhạnh, chắp vá những bài viết trên mạng dựa vào độ hót của sự kiện, tên gọi”. Đồng nghiệp Trần Tuấn nói, quá đúng.
       

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Tham khảo: TA, ĐỊCH BẮN NHAU, NGÀY 14/3/1988

Đây là bài trên trang http://club.mil.news.sina.com.cn/, phỏng vấn Trần Vĩ Văn, chuẩn đô đốc Hải quân Trung Quốc, năm 1988 là Phó tham mưu trưởng căn cứ Du Lâm (Hải Nam), đã chỉ huy 3 tàu 502, 531, 556 đánh chiếm Gạc Ma. Cảm ơn anh Thuận Hóa đã dịch giúp.
2g chiều 13/3/1988, tàu 502 đến tuần tra ở vùng biển Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua tiêu). Sau khi thả neo, chúng tôi thả 1 xuồng chở 6 người vào trinh sát địa hình xem sâu bao nhiêu, có dựng được nhà cao chân không? Vừa thả xuồng thì lính rada báo hướng Tây Bắc có 2 mục tiêu đang chạy tới. Xuồng được gọi quay về, tàu nhổ neo cơ động. Thì ra tàu đổ bộ hơn 4 ngàn tấn HQ-505 của Việt Nam dẫn theo tàu vận tải HQ-604. Tàu chúng ta (Trung Quốc) định chặn lại, không cho chúng tiếp cận đảo. Tàu ta gọi loa bằng tiếng Việt yêu cầu họ rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng họ không nghe. Tàu 505 thả neo ở Quỷ Gào (Cô Lin), còn 604 tiếp tục chạy đến Xích Qua. Hạm đội đã tính trước, bảo chúng tôi quyết bảo vệ Xích Qua, không để địch chiếm. Vì vậy tàu chúng tôi quay đầu ép sát 604. Tôi chấp hành chỉ thị của Quân ủy, không chủ động gây sự, không được nổ súng trước, bảo phiên dịch gọi loa yêu cầu họ rút, nhưng không ăn thua. Đến gần xem, thấy trên 604 chở đầy tre, gỗ…, mục đích rất rõ: họ định dựng nhà cao chân để chiếm Xích Qua. Đến sát Xích Quan, 604 thả neo, tàu 502 của ta lượng giãn nước lớn nên không đến gần được. Tàu ta đến đây lần đầu, không quen luồng lạch, mắc cạn thì gay. Tôi quan sát thấy trên boong 604 có nhiều lính công binh, chắc họ đợi sớm mai nước xuống sẽ đổ bộ chiếm đảo.
6 giờ sáng ngày 14, quân Việt bắt đầu đổ bộ lên đảo. Tàu ở gần nên chúng cho người ngậm thừng bơi vào rồi kéo xuồng chở vật liệu vào đảo. Thấy địch hành động, ta liền tăng binh bảo vệ đảo. Trên tàu ai có việc nấy nên tôi cho những người dư như nuôi quân, vệ sinh, hàng hải lên đảo, còn cơ điện, rada, pháo thủ thì ở lại. Tàu 531 cũng kịp đến, cho người cùng đổ bộ, nhưng số lượng không nhiều lắm, cuối cùng số lượng lên đảo ta có 58, họ có 43 người. Chính ủy tàu 502 Lý Sở Quần thấy địch dùng thừng kéo xuồng liền cho người dùng dao cắt dây.
Lính Việt Nam lên bãi cắm 2 lá quốc kỳ. Tôi lệnh cho Lý Sở Quần: 58 người trên đảo do anh chỉ huy, phải kiên quyết đuổi lính Việt Nam xuống. Lý chia quân làm mấy toán tạo thành hình vòng cung dồn ép phía Việt Nam. Lúc đầu xa, dần áp sát nhau chỉ 30m, cả hai bên đều rõ phải đấu với nhau để cướp cờ. Tổ cướp cờ của ta xông vào trước, đánh lộn với tổ giữ cờ của Việt Nam. Một lính Việt Nam rút súng nhằm Đỗ Tường Hậu, Dương Chí Lượng (1) giơ tay chặn, súng nổ, đạn xuyên vào cánh tay trái của Dương. Lập tức lính thông tin gào to, địch nổ súng rồi, rồi tôi nghe thấy tiếng súng nổ, địch đã khai hỏa. Quyền khai hỏa ở quân ủy, nhưng quyền đánh trả ở chỉ huy biên đội. Tôi lập tức ra lệnh: Lập tức giáng trả. Ngay sau đó, lính 2 bên trên đảo giao chiến quyết liệt, tiếng súng rền vang… Lúc này súng máy trên tàu 604 của Việt Nam cũng bắt đầu bắn lên đảo. Chúng ta đã chuẩn bị rất đầy đủ, pháo chủ công trên 502 đã nhằm sẵn 604, lính thông tin báo cáo “604 khai hỏa rồi”, tôi liền ra lệnh: “Đánh trả, bắn chìm 604”. Chỉ hơn 10 giây sau, các loại pháo đã bắn, pháo 25 ly bắn trước, pháo 37 rồi pháo 100 bắn theo, sau 4 phút, 604 đã bốc cháy, sau 8 phút thì chìm. Khi đó tàu 556 báo cáo với tôi: 605 cho xuồng đổ bộ lên Quỳnh tiêu (Len Đao). Tôi ra lệnh: “Bắn chìm tàu 605”. Khi đó 505 cách 502 khoảng 3000m cũng bắn. Chúng có 4 khẩu 40 ly, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ 3000m - 4000m. Pháo ta lớn, pháo chúng nhỏ, ta lại liên tục cơ động, ta thoát ra ngoài tầm bắn của chúng nhưng vẫn bắn được chúng…
Sau khi 604, 605 chìm, cả 3 chiến hạm 502, 531, 556 tập trung bắn hơn 100 quả đạn vào 505, nó trúng đạn bốc cháy, sau đó nhanh chóng thoát ra. Được một lúc, nó chợt quay đầu lại, lao hết tốc lực lên bãi Qủy Gào rồi mắc cạn. Tên thuyền trưởng 505 rất có kinh nghiệm…


(1): Hiện nay Dương Chí Lượng là Đại tá, Phó chủ nhiệm Cục chính trị Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

ĐỪNG LÃNG QUÊN NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG GIỮ ĐƯỢC ĐẢO

Bạn chỉ nói về Gạc Ma, vì bạn chỉ muốn nói về Gạc Ma, hay thực ra bạn chỉ biết về Gạc Ma, không biết gì về việc giữ Cô Lin, Len Đao, không biết gì về về CQ-88, không biết gì về việc những người lính của chúng ta, với phương tiện thô sơ, lạc hậu đã đóng giữ 11 đảo chìm ở Trường Sa, trong CQ-88?
Bạn có biết gì về những con người đầy bản lĩnh, mưu trí, có hành động rất kiên quyết, kịp thời để giữ được đảo, như Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 đã chỉ huy cho tàu ủi bãi Cô Lin, người đầu tiên được phong anh hùng trong các anh hùng ngày 14/3/1988?
Sự kiện ngày 14/3/1988 xảy ra ở các bãi đá Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, ta đã giữ được Len Đao và Cô Lin. Ngày 14/3/1988 là ngày đau thương, mất mát, nhưng không thể chỉ xoáy mãi vào nỗi đau đó, khiến mọi người hiểu chưa đúng, sai lạc về CQ-88. Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin hôm đó, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 88).

Tàu HQ 505 ủi bãi Cô Lin ngày 14/3/1988, ảnh trên báo Nhân Dân ngày 25/3/1988

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

“Nhẹ dạ cả tin” hay vô trách nhiệm?

Trị bọn làm tiền bậy bạ trong những vụ như Liên Kết Việt, Rừng Toàn Cầu, Trái Tim Việt Nam..., cũng cần bằng cách nào đó trị những ông tướng ông tá, những quan chức cỡ to, người có địa vị trong xã hội nhưng “nhẹ dạ cả tin”, nói thẳng ra là vô trách nhiệm, tiếp tay cho bọn chúng.         
 Đầu năm 2014, báo Tiền Phong và một số báo khác liên tiếp đăng nhiều bài về những hoạt động có tính chất lừa đảo của tập đoàn Rừng Toàn Cầu (nay đã sập tiệm), trong đó có việc mời gọi nhiều doanh nghiệp, cá nhân góp tiền hợp tác hợp tác đầu tư, với hứa hẹn trong thời gian ngắn sẽ được hưởng lợi gấp hàng chục lần số tiền góp… Các cơ quan chức năng, kể cả công an đã vào cuộc, chính quyền nhiều địa phương đã cảnh báo rộng rãi tới người dân về dấu hiệu bất minh của Rừng Toàn Cầu. Tuy nhiên, giữa năm 2014 vẫn có bạn đọc ở Hà Nội gọi điện cho tôi, kể chuyện có nguy cơ mất nhà do mẹ của chị gom hết tiền tiết kiệm, thế chấp giấy tờ nhà đất để lấy tiền “hợp tác kinh doanh” với Rừng Toàn Cầu. “Em mang các bài trên báo Tiền Phong cho mẹ em đọc, nhưng bà bảo báo nói sai, có bao nhiêu ông tướng, ông to, cả một cựu Phó Thủ tướng làm cố vấn cho Rừng Toàn Cầu, họ không khôn, không hiểu biết hơn mấy đứa nhà báo à.” Chị kể.
Bà Trương Mỹ Hoa, cựu Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính chứng kiến ông Vũ Quang Vinh, TBT báo Thiếu Niên Tiền Phong, GĐ điều hành Quỹ học bổng Vừ A Dính ký kết hợp tác với tập đoàn Rừng Toàn Cầu, ngày 19/2/2014  
          Tháng 10/2015, báo Tiền Phong và nhiều báo khác lại có nhiều bài về những bất minh trong chương trình Trái tim Việt Nam (TTVN), một chương trình gom tiền kiểu đa cấp. Cũng như Rừng Toàn Cầu, TTVN tạo lòng tin cho người dân bằng cách tổ chức những hội nghị “hoành tráng” ở các thành phố lớn, khoe rằng trong thành phần lãnh đạo, cố vấn của họ có những cán bộ cao cấp của quân đội, công an, những trí thức nổi tiếng… Hiện nay, nhiều người ở Khánh Hòa phản ánh với tôi về hoạt động gom tiền đa cấp của Cty TNHH Đầu tư – Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn. Cty này mời gọi người dân góp tiền hợp tác kinh doanh với hứa hẹn sau 3 năm sẽ có lợi nhuận bằng hơn 3 lần tiền gốc, khoe rằng trong ban lãnh đạo có nhiều quan chức, chẳng hạn “Phó Tổng giám đốc kiêm cố vấn cao cấp về kinh tế và pháp luật: Ông Lê Quang Đạo, nguyên kiểm sát viên cao cấp viện kiểm sát tối cao trung ương phụ trách phía Nam – Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên”.
Bây giờ, khi hoạt động lừa đảo của Cty Liên Kết Việt bị phanh phui, cũng có chuyện một số tướng lĩnh xuất hiện trong những cuộc hội họp của Liên kết Việt. Cơ quan chức năng cho rằng họ bị lợi dụng hình ảnh, để đánh bóng cho Liên Kết Việt.
Phải chăng các vị quan chức cấp cao, những người nổi tiếng có tên trong thành phần lãnh đạo hoặc xuất hiện tại các hoạt động rùm beng của các công ty tai tiếng nói trên đều là bị lợi dụng? Giáo sư Hoàng Chương trả lời báo chí rằng, ông từng viết thư kêu gọi ủng hộ TTVN, nhưng sau đó thấy TTVN là chương trình có dấu hiệu mờ ám nên từ 3 năm nay ông không liên hệ gì với TTVN nữa. Sự thật thế nào? Ngày 18/10/2015, tại một “lễ tôn vinh” do TTVN tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Giáo sư Hoàng Chương đã dự và lên sân khấu trao quà cho nhiều người được “tôn vinh”.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng GĐ Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (đeo cà vạt kẻ sọc) tại một “lễ tôn vinh” của TTVN ở Nha Trang, ngày 18/10/2015 
Cái nguy hại của những vụ như Rừng Toàn Cầu, Trái Tim Việt Nam, Liên Kết Việt… là kích thích lòng tham, tạo nên trình trạng lừa mị dây chuyền, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm nhiều gia đình tán gia bại sản. Trị bọn làm tiền bậy bạ, cũng cần bằng cách nào đó trị những ông tướng ông tá, những quan chức cỡ to, người có địa vị trong xã hội nhưng “nhẹ dạ cả tin”, nói thẳng ra là vô trách nhiệm, tiếp tay cho bọn chúng.