Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Giải thoát và đè nặng

Cụ Huỳnh Văn Truyện, ông Huỳnh Văn Nén, bà Ngân, bà Cẩm…đều đã được giải thoát khỏi những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn. Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của họ, tôi muốn hỏi những người đã làm nên oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?

Bốn giờ sáng ngày 29/11, buổi sáng đầu tiên được hoàn toàn tự do của công dân Huỳnh Văn Nén, ông dậy phụ vợ dọn hàng hủ tiếu, mang ra cạnh chợ Tân Minh bán. So với một tháng trước, khi được tại ngoại để chữa mắt, ông Nén hoạt bát, tự tin hơn hẳn. Ngày 5/11, ông đã được Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh mổ cườm mắt phải, kết quả rất tốt. “Tôi đã chính thức được quyền công dân như mọi người, đi đâu tùy thích không phải khai báo, mắt tôi đã sang lại, trong lòng tôi không còn mặc cảm nữa, không vui sao được”. Ông Nén nói. Trước kia, bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén bán hủ tiếu và bánh canh trong chợ Tân Minh, gần khu bán cá, ít khách ăn. Khoảng 4 tháng nay, bà Út ở khu phố 2 thị trấn Tân Minh cho bà Cẩm bán bánh canh trước nhà, lại dành cả một khoảng sân cho bà Cẩm kê mấy bàn cho khách ăn, không lấy tiền thuê. Hoàn cảnh nhà người ta còn nghèo túng lắm, mình không giúp được gì nhiều, nỡ lòng nào lấy tiền. Bà Út nói.
Hơn bảy giờ sáng, bà Huỳnh Kim Ngân, chị ruột ông Nén dẫn con dâu và hai cháu nội đến ăn hủ tiếu ở quán bà Cẩm. Rồi mẹ đẻ bà Cẩm là bà Năm Gấm, em ruột bà Cẩm là Nguyễn Thị Tiến và cháu ruột bà Cẩm là Trần Thanh An cùng đến ăn và trò chuyện vui vẻ với bà Ngân. Họ đều là những người chịu án tù oan trong vụ án vườn điều. Thấy bà Ngân vui vẻ trò chuyện với họ, tôi nhớ đến cảnh bà thu mình ngồi một góc ở những phiên tòa vụ án vườn điều, mươi năm trước. Trong nét mặt, ánh mắt của bà Ngân khi đó, có nỗi buồn, có bóng tối của sự tủi hổ, có nỗi đau khó chia sẻ được với ai. Ông Nén, em trai bà đang thụ án tù chung thân vụ bà Lê Thị Bông bị giết, lại là bị cáo trong phiên tòa vụ án vườn điều, nhưng cũng chính là người đã có lời khai rằng các bị cáo khác đã cùng giết bà Dương Thị Mỹ. “Chị của kẻ đã giết bà Lê Thị Bông, chị của kẻ đã khai rằng vợ mình và những người thân của vợ đã giết bà Dương Thị Mỹ”, bà Ngân bị hầu hết những người dự tòa, ở cả hai phía xa lánh. Sau này, nhiều người mới biết rằng, chính vợ chồng bà đã góp phần rất lớn, cả về tinh thần, công sức và tiền của để đi kêu oan, giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và các bị can khác trong vụ án vườn điều.        
        Nụ cười tươi, gần 18 năm mới có lại của cha con cụ Huỳnh Văn Truyện
  Tám giờ sáng, sau một đêm hành trình từ quê nhà là xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau), cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén ra tới Tân Minh. Ngồi trò chuyện với con cháu, cụ Truyện hết cỡ, cười phô hàm răng chỉ còn  vài chiếc, nụ cười mãn nguyện của người cha vĩ đại. Hơn 17 năm kiên trì, quyết liệt đi kêu oan cho con, nay đã có kết quả tốt đẹp, còn niềm vui nào lớn hơn đối với cụ già đã sắp sang tuổi 91.

          Cụ Truyện, ông Nén, bà Ngân, bà Cẩm…đều đã được giải thoát khỏi những ưu tư, khắc khoải, những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn. Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người tự nguyện mang gánh nặng đi tìm công lý cho những người dân cũng đã nở nụ cười tươi khi tâm nguyện của ông thành hiện thực. Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của ông Nén, của vợ con ông, của các bị can trong vụ án vườn điều, tôi muốn hỏi những người đã làm nên oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?     

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGƯỜI BẠN CAMPUCHIA

Anh… Trong thời gian học tập của em hơn 8 tháng rồi em nhớ anh lắm và rất buồn vì em nhận tin là anh bị ngã ô tô… Anh Long đưa tin này bảo hộ em. Em biết như vậy em về nhà ngai, em viết thư gửi cho anh hỏi thăm anh…

Hôm qua kôru pết (bác sĩ) Đỗ Văn Thái vào Nha Trang mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế, ngồi cà phê cùng ôn chuyện xưa mới nhớ ra, sang Campuchia cuối tháng 11/1985, nay vừa tròn 30 năm. Về nhà, lục giấy tờ cũ để xem đặt bước chân đầu tiên sang K chính xác là ngày nào. Chưa tìm thấy cái muốn tìm, nhưng lại thấy phong bì thư của Hing Sao (thực ra tiếng Khmer là Hing Saư) gửi hồi tháng 4/1987. Một anh lính Campuchia đang ở Hà Nội gửi thư cho một anh lính Việt Nam đang ở Phnom Penh.
Hồi đó, tôi ở được cử về Xưởng Quân khí ở quận Tuol Kork, phía Tây Bắc Phnom Penh, cấp bậc chùm-nuôi-ca bây (trợ lý 3, lính K gọi là sạ bây – quan ba). Hing Saư là lính thợ ở xưởng, chắc bằng tuổi tôi, cao trên 1m70, da đen nhất xưởng, nụ cười hiền lành, chăm chỉ và tháo vát, đã có vợ và một con nhỏ. Nhà Hing Saư ở cạnh xưởng, có cây xoài kiến vàng hay kết lá làm tổ. Lần đầu tiên tôi được ăn canh chua thịt chó nấu với tổ kiến vàng là ở nhà Hing Saư, nguyên tổ kiến gồm cả lá xoài, kiến và trứng kiến vừa hái trên cây được bỏ thẳng vào nồi quân dụng hầm xương chó. Bê bát canh nóng hổi, uống thứ nước vừa ngọt, vừa dôn dốt chua vừa dìu dịu thơm, ôi chao! Vợ Hing Saư cũng hiền lành như chồng, bán cá ở chợ Tuol Kork. Nhà nghèo, vốn ít nên chỉ mua bán gánh cá nhỏ, người ta bán cá lóc cỡ bắp chân thì vợ Hing Saư chỉ có cá cơ 2- 3 ngón tay, to nhất bằng cổ tay. Ông bạn Trần Tiến Đạt, nay làm ở Vinaphone có lúc trách, chợ toàn cá to sao mày không mua, toàn mua cá nhỏ. Bảo mua ủng hộ vợ chồng Hing Saư. Sau này Đạt đi chợ cũng hay mua cá nhà Hing Saư.
Cuối năm 1986, Hing Saư được chọn đi học ở Nhà máy Z133, Gia Lâm, Hà Nội. Đầu năm 1987 một đoàn công tác của Nhà máy Z133 đi sửa chữa vũ khí ở khu vực Pailin, khi về có ghé Xưởng Quân khí Tuol Kork, vì có một số cán bộ Z133 làm chuyên gia ở đó. Tôi nhờ họ chuyển lời thăm Hing Saư, không ngờ tháng 4/1987 nhận được thư của anh. Một người bạn thực sự. Dù hồi ở Xưởng Quân khí Tuol Kork tôi cũng đã dạy Hing Saư tiếng Việt, nhưng khi đọc thư Hing Saư tôi vẫn ngạc nhiên vì anh viết tiếng Việt khá tốt, chỉ sau 8 tháng.  


Thêm: Anh Long, người được Hing Saư nhắc đến là công nhân Z133, tôi quen từ 1983 khi lớp tôi thực tập ở đó. Năm 1986 anh Long cưới vợ là Hương, một công nhân điều khiển cần cẩu ở xưởng sửa chữa pháo của Z133. Hương khỏe mạnh, có duyên, có cá tính, chúng tôi gọi đùa là Hương cẩu. Cuối năm 1987, tôi nghe anh Viên, một chuyên gia Z133 ở Xưởng Quân khí Tuol Kork nói Hương mất vì sốt rét. Có lẽ Long đi Pailin sốt rét, về nhà muỗi đốt Long lại đốt Hương, nên Hương bị lây sốt rét.                       

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Tăm tối

"Đề nghị không vay tiền Trung Quốc, không nhận viện trợ từ Trung Quốc".
 Sao không đòi không buôn bán giao thương, không làm ăn với Trung Quốc, tuyệt giao với Trung Quốc luôn đi, ông nghị Trương Trọng Nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Tự làm khó mình, làm khó đồng nghiệp

Tôi có nhiều bạn thân quý là luật sư, nên khi cho rằng sau vụ LS Trần Thu Nam và LS Lê Văn Luân bị đánh họ sẽ mất uy tín nghề nghiệp, tôi không muốn bàn về vụ này.
Nhưng đọc đơn của hai LS đòi khởi tố vụ án, khởi tố và bắt giam 8 bị can, thấy các anh làm khó thêm cho mình, làm khó thêm cho đồng nghiệp, nên không cưỡng được sự ngứa miệng nữa.



Khởi tố vụ án? Cũng nên. Nhưng hai LS đòi khởi tố bị can, bắt tạm giam ngay 8 người, để ngăn việc họ thông cung, khai không trung thực, chính điều này làm khó cho hai LS và đồng nghiệp của họ.
Nếu cho rằng việc “đánh hội đồng” hai LS là từ một “âm mưu hèn hạ, dằn mặt các LS bảo vệ em Đỗ Đăng Dư”, thì hẳn 8 người kia đã được bàn bạc, chỉ bảo trước. Vậy bắt giam có tác dụng gì cho việc ngăn họ thông cung? Để ngăn việc ép cung, mớm cung, phải có luật sư cho họ ngay. LS bảo vệ quyền lợi cho 8 người này sẽ không thể bảo vệ quyền lợi của hai đồng nghiệp bị hại, đó là cái khó đầu tiên.
Các LS đó sẽ phải đặt vấn đề với cơ quan điều tra, tuy hành vi các bị can có tính côn đồ, nhưng hậu quả không lớn, có cần thiết bắt tạm giam 8 bị can không? Nếu các LS đó cho rằng không cần thiết bắt tạm giam 8 bị can, đòi cho họ tại ngoại, sẽ trái với đòi hỏi của LS Nam và LS Luân. Đó là cái khó thứ hai.
Nếu các LS đó đồng ý rằng cần bắt tạm giam 8 người kia thì lại mâu thuẫn với quan điểm của hai LS và nhiều LS khác khi muốn bảo vệ quyền lợi của người thân em Đỗ Đăng Dư, rằng việc bắt tạm giam em Dư là không cần thiết. Đó là cái khó thứ 3.
Khi ra tòa - nếu các LS quyết đưa vụ này ra tòa, người ta sẽ phải hỏi về việc tác nghiệp, hành nghề của hai LS trong vụ em Đỗ Đăng Dư. Đó là cái khó nữa.



     

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Cần một Vladimir Putin hơn một Aung San Suu Kyi

          Chúc mừng đất nước Myanmar, chúc mừng bà Aung San Suu Kyi, hoan hô ông Thein Sein. Nhiều người ngầm liên hệ Myanmar với Việt Nam, chính quyền quân sự Myanmar với chính thể lãnh đạo Việt Nam. Thực ra sự liên hệ, so sánh đó rất khập khễnh, nhất là về vai trò, vị thế trong lịch sử đất nước và hiện tại.
Cha của bà Aung San Suu Kyi, ông Aung San là người thành lập các đơn vị tiền thân của quân đội Myanmar, cũng là một trong những người có công lớn nhất đưa Myanmar thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Anh. Mẹ của bà cũng là một nhà chính trị của Myanmar, từng là Đại sứ Myanmar tại Ấn Độ và Nepal. Chắc chắn, trong hoạt động chính trị của mình, bà Aung San Suu Kyi có những mối liên hệ với các bạn bè, những người đã từng cộng tác với cha, mẹ của bà. Ngoài phẩm chất cá nhân, sự thành công hôm nay của bà Aung San Suu Kyi còn có phần từ những mối quan hệ đó, từ vị thế của gia đình bà trong chính trường Myanamar. Còn ông Thein Sein và chính quyền quân sự không phải những người mang lại nền độc lập cho Myanmar, và họ nắm quyền qua một cuộc đảo chính.

Có người cho rằng Việt Nam cần một Aung San Suu Kyi, nhưng tôi cho rằng Việt Nam không cần một Aung San Suu Kyi (cũng không thể có), mà cần một Vladimir Putin, hoặc một Tập Cận Bình. Khi đất nước có kỷ cương chưa chặt, có nhiều người chỉ biết nói và làm bậy hơn người biết làm, cần có người có tài, có trí, có chí và uy điều hành đất nước.
          Việc đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua là bước tiến lớn của nền dân chủ Myanmar, nhưng còn quá sớm để nói về sự phát triển của đất nước này dưới sự cầm quyền của NLD.
Tại Đông Nam Á, Phillippines là nền dân chủ lâu đời nhất. Nhưng nền kinh tế Philippines lại là nền kinh tế kém cỏi nhất trong các nước ASEAN “cũ”, thu nhập bình quân đầu người của Phi chỉ cao hơn không nhiều so với thu nhập bình quân của Việt Nam. Joseph Estrada, Tổng thống thứ 13 của Philippines (30/6/1998 – 20/1/2001) từng rất được người dân nghèo ở nông thôn Philippines hâm mộ, là người đắc cử tổng thống với tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines. Thế nhưng chỉ nửa nhiệm kỳ, ông đã bị phế truất.

Trong “4 con hổ châu Á”, ngoại trừ Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đều có hàng chục năm phát triển mạnh mẽ dưới thể chế “độc tài”, ít dân chủ. Hiện nay, nền dân chủ tại những nơi này đang mở mang, trên cơ sở nền kinh tế phát triển và thể chế nhà nước được tổ chức tốt.