Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Không dám nổ súng và bưng bít chuyện mất đảo!

 Không có chuyện “mất Gạc Ma do lính ta không dám nổ súng, vì một ông lãnh đạo cao cấp đã ra lệnh không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào”, không có chuyện “nhà nước bưng bít vụ 14/3/1988”, vài năm nay tôi đã nhiều lần trả lời nhiều bạn về ngày 14/3/1988. Nhưng bây giờ, vẫn có nhiều người nói hai điều trên là có thật, khiến một số người lại hỏi tôi. Đành viết về vấn đề này một lần nữa.



Trên đây là ảnh báo Nhân Dân và báo Hà Nội Mới số ra ngày 15/4/1988, đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”.
Những trang báo này, tuyên bố này nói lên điều gì?
Nói rằng, không có chuyện lính ta không dám nổ súng, vì một ông lãnh đạo cao cấp đã lệnh không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào. “Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương”, đó là nguyên tắc ứng xử của ta trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay. “Không nổ súng trước” khác hẳn “không được nổ súng”, ai đó đừng có lập lờ.  
Nói rằng, ngay sau khi sự kiện ngày 14/3/1988 nổ ra, các cơ quan truyền thông của Việt Nam đã lên tiếng rất mạnh mẽ, chả có sự bưng bít nào. Nói thêm, không phải chỉ khi có sự kiện 14/3/1988, mà ngay từ tháng 1/1988, khi Trung Quốc bắt đầu có các hành động chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, báo chí và người dân Việt Nam đã liên tục, mạnh mẽ lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.  
Thư của huyện Hương Phú, tỉnh Bình Trị Thiên gửi quân dân Trường Sa
Nói thêm với những bạn cho rằng nhà nước bưng bít vụ 14/3/1988. Các bạn có thể dễ dàng kiểm chứng điều này, bằng cách đến thư viện, tìm đọc các số báo ra trong nửa sau tháng 3/1988 và tháng 4, tháng 5/1988. Nếu ai đã biết rằng không có chuyện bưng bít, nhưng vẫn cứ lu loa rằng “nhà nước Việt Nam bưng bít vụ mất đảo năm 1988”, người đó chẳng đáng trọng.
     

  

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

14 tháng 3, không chỉ là Gạc Ma, đau thương, mất mát

Ngày 14/3/1988, súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đảo Gạc Ma, mà cả ở đảo Len Đao, đảo Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 Anh hùng, liệt sĩ đều ngã xuống ở đảo Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đảo Len Đao, đó là Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988.
 Những ngày này, nếu chỉ nhắc đến “Trung Quốc chiếm Gạc Ma", về mặt nào đó chỉ là khơi gợi sự căm thù kẻ cướp, chưa mang lại lòng tự hào, kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, là có lỗi với họ và đồng đội của họ.