Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 21: Đá Nam, đảo được đóng giữ gần đây nhất

Đảo Đá Nam, nhìn từ Đèn biển đảo Song Tử Tây, tháng 5/2013

Đảo Đá Nam (South Reef) thuộc cụm đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 11030’00’’ Bắc, kinh độ114021’00’’ Đông trên rạn san hô vòng North Danger Reef, cách đảo Song Tử Tây khoảng 3 hải lý về phía Tây Nam. Rạn san hô Đá Nam có dạng gần giống hình elip, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 2 hải lý, rộng khoảng 1,5 hải lý, khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Phía Đông Nam của Đá Nam có một hồ nhỏ, độ sâu hồ từ 3m đến 15m.

Ảnh vệ tinh rạn san hô Đá Nam

Đón xuồng vào đảo Đá Nam 
  
          Nằm ở phần Bắc quần đảo Trường Sa, nơi từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua, mỗi năm đảo Đá Nam có 130 ngày chịu gió mạnh từ cấp 6 trở lên, gây khó khăn cho sinh hoạt, bảo quản vũ khí, khí tài và trồng rau xanh. Trong cơn bão Haiyan vừa qua, đảo Đá Nam chính là đảo chịu thử thách nhiều nhất.

Trong điều kiện khó khăn, bộ đội đảo Đá Nam vẫn nuôi được nhiều gà, vịt, trồng nhiều rau xanh
Giàn mồng tơi trên đảo Đá Nam, tháng 12/2011
  
Trong chiến dịch CQ-88, ngày 16/3/1988, một phân đội của Lữ đoàn 146 đã hoàn thành nhiệm vụ đóng giữ đảo Đá Nam. Đá Nam chính là đảo được Việt Nam tổ chức đóng giữ gần đây nhất. 

Xây dựng nhà lâu bền trên đảo Đá Nam, năm 1989 - ảnh tư liệu
Đảo Đá Nam năm 1995 - ảnh tư liệu
Đảo Đá Nam năm 2011
Bia chủ quyền đảo Đá Nam 
                        Nguyễn Đình Quân 

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 20: Đá Thị, đảo nhỏ ở Đông Bắc Trường Sa

 Ảnh vệ tinh đảo Đá Thị trong cụm rạn san hô Tizard Bank

Đảo chìm Đá Thị (Núi Thị, Petley Reef) thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 10024’40’’ Bắc, kinh độ 114034’48’’ Đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Bắc, cách Cam Ranh khoảng 335 hải lý về phía Đông – Đông Nam.

Đảo Đá Thị, tháng 5/2013

Sau đảo Tiên Nữ, đảo Đá Thị cùng với đảo Sinh Tồn Đông là hai đảo ở xa nhất về phía Đông, trong số 21 đảo đang được Việt Nam quản lý ở quần đảo Trường Sa.  

Rau bầu đất, nguồn rau xanh chính của đảo Đá Thị

Rạn san hô Đá Thị có hình ô van, dài chưa đầy 2km, chỉ nhô lên mặt nước rất ít khi thủy triều xuống.

Đàn chó nô đùa trên bãi san hô đảo Đá Thị

          Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện đẫm máu ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ở quần đảo Trường Sa, một lực lượng của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và Công binh Hải quân đã tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến dịch CQ-88, triển khai đóng giữ, bảo vệ đảo Đá Thị.

Nhà cao chân trên đảo Đá Thị, năm 1989 - ảnh tư liệu
Nhà lâu bền trên đảo Đá Thị, năm 1991 - ảnh tư liệu

          Là đảo nhỏ, nhưng đảo Đá Thị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, gần nhất là tại bãi Én Đất, bãi san hô giàu nguồn lợi thủy sản, lớn nhất trong Tizard Bank.

Lính đảo Đá Thị lội ra xa, đón dây để kéo xuồng vào đảo 
Bia chủ quyền đảo Đá Thị 
Chuẩn úy Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên thông tin đảo Đá Thị làm chậu hoa mai bằng hoa nhựa, vỏ ốc nhảy, dây kẽm, bao bảo quản cũ…, 
để gửi về cho mẹ ở Thái Bình

                               Nguyễn Đình Quân   


Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 19: Đảo Len Đao và đảo Cô Lin – Đổ máu xương gìn giữ chủ quyền

Ảnh vệ tinh đảo Len Đao và đảo Cô Lin trong cụm đảo Sinh Tồn

Đảo chìm Cô Lin (Collins Reef/Johnson North Reef) và đảo chìm Len Đao (Lansdowne Reef) thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, cùng với các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, đá Gạc Ma… hợp thành rạn san hô Union Bank.

Bình minh ở đảo Cô Lin 

Đảo Cô Lin nằm ở vĩ độ 09045’00’’Bắc và kinh độ 114013’50’’Đông, cách đảo Sinh Tồn 8 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng gần 4 hải lý về phía Bắc Tây Bắc. Rạn san hô Cô Lin có dạng hình thang, hai cạnh đáy nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, cạnh đáy lớn dài khoảng 1,5 hải lý. Khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô lộ ra khá rộng. 

Ảnh vệ tinh đảo Cô Lin
Bãi Cô Lin khi thủy triều xuống
Đảo Len Đao (Lansdowne Reef) ở vĩ độ 09045’40’’ Bắc, kinh độ 114021’50’’ Đông, phía Nam đảo Sinh Tồn, phía Đông đảo Cô Lin, phía Đông Bắc đảo Gạc Ma, cách mỗi đảo này 7 hải lý. Rạn san hô Len Đao có dạng hình ô van nằm ngang, chiều dài khoảng 0,8 hải lý, chiều rộng khoảng 0,5 hải lý. Phía Đông Bắc đảo có mội dải cát dịch chuyển theo mùa, đôi khi tạo thành hình chữ S, gây liên tưởng tới bản đồ Việt Nam.

Đảo Len Đao
Ở xa, phía trên chậu hoa mười giờ có thể thấy thấp thoáng dải cát di động ở đảo Len Đao  

Trong chiến dịch CQ-88, tối ngày 11/3/1988, các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 của Hải quân Việt Nam được lệnh đưa lực lượng công binh tới xây dựng nhà cao chân trên các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Sáng ngày 14/3/1988, khi  lực lượng trên tàu HQ-604 lên đảo Gạc Ma cắm quốc kỳ Việt Nam và chuyển vật liệu xây dựng lên đảo, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã bắn vào tàu HQ-604 và chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma, làm tàu HQ-604 bị chìm, 58 sĩ quan, chiến sĩ hải quân và công binh hy sinh. Tại đảo Len Đao, tàu HQ-605 cũng bị các tàu Trung Quốc bắn chìm, 6 sĩ quan và chiến sĩ ta hy sinh, nhưng ta bảo vệ được đảo Len Đao. Tàu HQ-505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đã vượt qua đạn pháo của đối phương, lao lên đảo Cô Lin, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang: Bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Bị đạn đối phương bắn cháy tàu, các lực lượng trên tàu HQ-505 vừa dập lửa cứu tàu, vừa dùng xuồng đi cứu vớt đồng đội ở tàu HQ-604 và ở đảo Gạc Ma đang gặp nạn…

Đảo Len Đao năm 1988, những ngày đầu xây dựng - ảnh tư liệu
Giáo viên, học viên Học viện Hải Quân tham gia xây dựng đảo Len Đao, năm 1988 - ảnh tư liệu
Đảo Cô Lin, năm 2011
Sáng ngày 12/1/2011, trên vùng biển Cô Lin – Gạc Ma, Thiềm Thừ đọc rồi hóa vàng bức thư của cụ Võ Ta gửi con trai – Liệt sĩ Võ Đình Tuấn, một trong 58 người đã hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988
Đảo Cô Lin, năm 2013
Chào nhé, đảo Len Đao thân thương  
                                                                                         Nguyễn Đình Quân 

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 18: Đảo Núi Le

Điểm A, đảo Núi Le

Rạn san hô Núi Le (Cornwallis South Reef) thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 08043’00’’ Bắc, kinh độ 114010’00’’ Đông, gần như cùng vĩ độ với đảo Trường Sa và cách đảo này 135 hải lý về phía Đông, cách Cam Ranh 355 hải lý về phía Đông Nam. Đảo gần đảo Núi Le nhất là đảo Tốc Tan, Núi Le cách Tốc Tan 9 hải lý về phía Đông Đông Nam.  

Ảnh vệ tinh đảo Núi Le
Nhà cao chân trên đảo Núi Le, năm 1988 - ảnh tư liệu

          Rạn san hô Núi Le dài khoảng hơn 5 hải lý, rộng khoảng 2 hải lý, nằm theo hướng Bắc- Nam, có một số điểm nhô khỏi mặt nước khi thủy triều xuống thấp nhất. Trong chiến dịch CQ-88, sau khi quân ta đóng giữ đảo Tốc Tan ngày 27/2/1988, ngày 28/2/1988 tàu HQ-613 đưa lực lượng của E83 công binh và vật liệu vượt sóng to gió lớn và sự ngăn cản của tàu Trung Quốc, ra triển khai đóng giữ đảo đảo Núi Le thắng lợi

Học viên lớp H31, Học viện Hải quân tham gia xây dựng đảo Núi Le năm 1988 - ảnh tư liệu
Đảo Núi Le, năm 1990 - ảnh tư liệu
Điểm A, đảo Núi Le năm 1998 - ảnh tư liệu

          Hiện nay, ở đảo Núi Le có hai điểm đóng quân, là điểm A ở thềm san hô phía Tây Nam và điểm B ở thềm san hô phía Bắc đảo. Đảo Núi Le là đảo chìm duy nhất trong các đảo ở Trường Sa do Việt Nam quản lý có hai điểm đóng quân.  

Điểm A, đải Núi Le năm 2011
Điểm B, đảo Núi Le năm 2011  
Rau xanh trên điểm B, đảo Núi Le, tháng 1/2011
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam cạnh điểm B, đảo Núi Le, tháng 5/2013  
Điểm B, đảo Núi Le tháng 5/2013, phía xa là điểm A, đảo Núi Le   
                                 Nguyễn Đình Quân


Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 17: Đảo Tốc Tan, âu tàu tự nhiên giữa Trường Sa

Hoàng hôn ở vùng đảo Tốc Tan

Đảo Tốc Tan thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 080’46’46’’ Bắc, kinh độ 114003’09’’ Đông, cách đảo Trường Sa 128 hải lý về phía Đông, cách đảo Tiên Nữ 35 hải lý về phía Tây Tây Bắc. 

Ảnh vệ tinh rạn san hô Tốc Tan

Rạn san hô Tốc Tan (Alison Reef) nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, chiều dài khoảng 11 hải lý, chỗ rộng nhất khoảng 4 hải lý. Vành san hô phía Bắc Tốc Tan rộng và liền mạch, trong khi vành san hô phía Nam bị chia cắt bởi các rãnh hẹp và nông. Hồ Tốc Tan có độ sâu trung bình tương đối lớn, khoảng 15m - 25m, luồng vào hồ rộng. Công binh đã khơi mở luồng vào hồ Tốc Tan rất thuận tiện, đồng thời thả 3 phao buộc tàu trong lòng hồ. Mùa dông bão ở Trường Sa, hồ Tốc Tan như một âu tàu lớn, là nơi trú tránh an toàn cho nhiều tàu cá của ngư dân và tàu vận tải của hải quân.

Chim cu mái được Thiếu úy Đoàn Văn Tuấn nuôi ở điểm A, đảo Tốc Tan
Điểm A đảo Tốc Tan, năm 2013

Từ cuối năm 1987, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến hoạt động trong khu vực quần đảo, có ý đồ chiếm đóng một số bãi san hô. Để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, Quân chủng Hải quân mở chiến dịch CQ-88, tổ chức lực lượng, phương tiện đóng giữ thêm một số đảo, bãi đá ở Trường Sa. Sáng ngày 27/2/1988, lực lượng của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 125 Hải quân và Công binh đã đưa pông tông số 07 vào đảo Tốc Tan, triển khai xây dựng nhà và tổ chức bảo vệ đảo.

Đảo Tốc Tan năm 1988 - ảnh tư liệu
Đảo Tốc Tan năm 1989 - ảnh tư liệu
Điểm B đảo Tốc Tan năm 1993 - ảnh tư liệu  

Trên đảo Tốc Tan hiện có 3 điểm đóng quân: Điểm A ở vành san hô phía Đông Nam, điểm B ở vành san hô phía Tây Bắc và điểm C ở giữa vành san hô phía Bắc.

Phòng CLB tại nhà tiếp dân ở điểm A, đảo Tốc Tan
 Pin mặt trời trên điểm C, đảo Tốc Tan
 Lính đảo Tốc Tan đón năm mới 2011