Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Nhân danh người cha

“Làm người cha có con bị tù oan vì tội giết người, đau đớn lắm. Còn sống ngày nào, tôi còn đi kêu oan ngày ấy. Tôi có nguyện ước, trước khi nhắm mắt xuôi tay, vụ án bà Bông được kháng nghị và tái thẩm”. Cụ Huỳnh Văn Truyện nói, khi gặp phóng viên báo Tiền Phong. 
Cụ Huỳnh Văn Truyện ghé nhà Thiềm Thừ tại Nha Trang, khi cụ ra Bắc kêu oan cho con trai, năm 2006

Cụ Huỳnh Văn Truyện năm nay 89 tuổi, ở xã Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau), có 11 công đất.  Ngày 20/11/2013, cụ Truyện cầm cố 6 công đất, ra Hà Nội, đến trụ sở TAND Tối cao và trụ sở VKSND Tối cao nộp đơn kêu oan cho con trai là Huỳnh Văn Nén, đang thụ án tù chung thân do bị kết tội giết bà Lê Thi Bông ở thôn 2 (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) đêm 23/4/1998. Hành trình kêu oan cho con trai của cụ Truyện bắt đầu từ tháng 9/2000, khi anh Huỳnh Văn Nén bị kết án tù chung thân. Năm 2006, cụ đã cầm cố 5 công đất để ra Hà Nội kêu oan cho con trai...
Ngày 2/7/2001, báo Tiền Phong đăng bài “Những câu hỏi quanh vụ bà Bông bị giết”. 
Ngày 11/4/2006 báo Tiền Phong đăng bài “Hậu “vụ án vườn điều” – Huỳnh Văn Nén bị oan”.  
Ngày mai, 29/11/2013...



Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Chuyện bây giờ mới kể về nàng Haiyan

Sáng 9/11, goi điện thoại cho đảo Song Tử Tây, đảo ở Trường Sa được dự đoán là gần tâm bão Haiyan nhất. Nghe Chính trị viên Nguyễn Trọng Bình nói, đang gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 12 và còn mạnh lên. Dù anh Bình nói, đảo đã chuẩn bị chu đáo để đối phó với bão, nhưng qua điện thoại, vẫn có thể cảm nhận được sự lo lắng của anh.
Gọi cho đảo Nam Yết, đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn Đông…, nghe kể chưa có gió to. Không dám mừng. Chỉ thầm hy vọng…
Hơn 10 giờ, gọi cho Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, “ò í e”. Chờ vài chục giây, gọi lại, “ò í e”. Điều không mong đợi đã xảy ra? Ruột như thắt lại. Gọi lại lần nữa. Không ò í e nhưng cũng không có chuông, khoảng thời gian đó dường như rất dài… Thở phào khi nghe tiếng nhạc chuông đầu tiên, sau đó là giọng nói quen thuộc của Thượng tá Bình, thông báo đảo chưa bị thiệt hại gì.
Từ lúc đó, mỗi lần bấm nút gọi điện thoại ra Trường Sa là một lần hồi hộp, chờ đợi tiếng nhạc chuông. Chỉ cần nghe tiếng nhạc chuông điện thoại, là biết đảo vẫn đang đứng vững.
14 giờ, gọi điện tới đảo Đá Lớn C, gặp đảo trưởng, Thượng úy Phan Văn Cân. Cân thông báo, ở đảo đang có gió cấp 7 cấp 8, sóng mù mịt. Anh em đang trò chuyện, chợt nghe tiếng chó sủa. Sao đang bão to mà chó vẫn sủa? Chó thì phải sủa chớ anh, mà bão có to lắm đâu. Nghe anh chàng đảo trưởng nói bằng giọng đặc trưng Phú Yên, bật cười. Từ lúc đó, tin rằng Trường Sa sẽ vững vàng chống chọi cơn bão Haiyan.
15 giờ, Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa thông báo, đảo đã hết mưa, gió nhẹ. Để chứng minh, anh gửi mấy bức ảnh chụp bằng ipad, trong đó có mấy chú heo thong dong gặm cỏ cạnh sân bay, cảnh sóng biển hiền hòa ở bờ đảo.
17 giờ, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây nói, ở đảo chỉ còn gió cấp 4, cấp 5 thôi. Ngó xem mấy trang dự báo thời tiết, thấy báo tâm bão Haiyan đã ở cách Song Tử Tây hơn 200 km về phía Bắc. Làm tin “Bão Haiyan đã đi qua Trường Sa”, nhưng chưa dám gửi ra tòa soạn. Hơn 18 giờ, lần lượt nhận được mấy bức ảnh Trung tá Dũng gửi, cho thấy cảnh lính đảo Song Tử Tây đang dọn dẹp cành cây gãy, đang chơi bóng chuyền. Cảm ơn Dũng nhé, anh yên tâm gửi tin “Bão Haiyan đã đi qua Trường Sa” ra tòa soạn.





Đang viết stt này, ngó vô FB ông bạn Trần Tuấn, thấy giật stt: “Sau siêu bão giật cấp 17, Đà Nẵng giờ này la liệt cảnh đờn ông bắc bàn ngồi trước cửa nhà nhậu. Đờn bà ông ổng hát K-ôkê trong nhà”. Cầu mong cho ở các tỉnh phía Bắc cũng được như ở Đà Nẵng, đàn ông la cà, đàn bà ông ổng… 

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Lại lố đà

Các nhà báo viết về vụ ông Chấn, nên tỉnh táo một chút, vì ông Chấn một chút. Ông Chấn có thể bị khép tội mới - tội vu khống - từ những bài báo các bạn viết theo lời kể của ông ấy về chuyện bức cung, ép cung.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Nhớ lại Vụ án vườn điều

Vụ Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án oan sai nghiêm trọng. Nhưng vụ án oan vào loại lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam, phải là VỤ ÁN VƯỜN ĐIỀU. Tổng cộng 10 người thuộc 3 thế hệ trong một gia đình bị khởi tố, 8 người bị bắt giam, 1 người bị chết khi chưa được giải oan. Đó cũng là vụ án, những người làm báo có thể nhắc tới với sự tự hào
http://www.tienphong.vn/search/duG7pSDDoW4gdsaw4budbiDEkWnhu4F1IA==/vu-an-vuon-dieu.tpo?page=1

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Tim đàn bà, chỉ có hai ngăn

Ông Nguyễn Thanh Chấn vừa được trả tự do, sau 10 năm chịu án chung thân. Ông được trở về với gia đình từ tình yêu thương của một người phụ nữ, tình yêu thương vĩ đại. Vĩ đại, không phải bởi 10 năm đằng đẵng bà Chiến kêu oan cho chồng. Vĩ đại, bởi tình yêu thương đã khiến người đàn bà không mất niềm tin vào người chồng bị quy tội “trộm tình”, bởi tình yêu thương đã giúp một người đàn bà quê mùa trở nên khôn khéo, sáng suốt, biết cách âm thầm tìm chứng lý minh oan cho chồng.    


Bà Chiến khóc ngất khi đón chồng đoàn tụ với gia đình

Câu chuyện của ông Chấn làm tôi nhớ lại một bộ phim của Hungary, được xem cách nay đúng 30 năm. Cảnh ngộ của nhân vật chính trong phim khá giống cảnh ngộ ông Chấn. Có một thanh niên 20 tuổi bị khép án tử hình vì tội giết người. May mắn cho anh ta, khi sắp bị hành quyết thì được giảm án, xuống tù chung thân. Trong 20 năm đẹp nhất của đời người, anh ta đã phải ngồi tù, cho đến khi thủ phạm thực sự của vụ giết người đầu thú. Lật lại quá trình tố tụng của vụ án, nhà chức trách thấy rằng, khi bị bắt, người thanh niên đã kêu oan, đã có một phụ nữ làm chứng về việc anh ta ngoại phạm. Nhưng có một phụ nữ khác làm chứng ngược lại, rằng bà ta đã thấy người thanh niên tại nơi xảy ra án mạng, vào thời điểm xảy ra án mạng.
Khi được hỏi, tại sao làm chứng rằng người thanh niên không ngoại phạm, bà ta ráo hoảnh nói, làm vậy vì ghét bà hàng xóm. Hai bà có xích mích nhau, khi thấy bà kia làm chứng về việc anh thanh niên ngoại phạm, bà ta nói ngược lại. Chỉ vì muốn nói cho bõ ghét con mụ hàng xóm, mà đưa một người vô tội vào cõi chết.


Theo y học, trái tim có 4 ngăn. Nhưng theo tôi, trái tim đàn bà chỉ có hai ngăn. Một ngăn dành cho yêu thương dịu dàng, một ngăn để chứa hận thù, đố kỵ, cay nghiệt. Ngăn yêu thương có cửa vào không lớn, nhưng bên trong rất rộng. Ngăn đố kỵ, cay nghiệt nhỏ hẹp, nhưng những thứ đã được chất chứa trong đó rất khó thoát ra, biến mất. Đàn bà trẻ thì đẹp hơn đàn ông, nhưng mau già, mau xấu hơn đàn ông vì cứ tích cóp vào cái ngăn nhỏ hẹp, độc hại ấy.   

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Vô đề

Sau mấy tháng sổng chuồng, một con cọp bị bắt trở lại vườn thú. Con cọp ở chuồng bên hỏi:
- Rừng hết rồi, mày trốn ở đâu mà được lâu thế?
- Tao trốn trong một công sở.
- Mày ăn gì?
- Mỗi tuần tao xơi một công chức, chả ai biết.
- Thế sao mày bị phát hiện?
- Tao chén mất bà lao công…